Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng

(BKTO) - Nửa đầu năm 2023, hàng loạt chính sách đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, tổng giá trị phát hành (GTPH) TPDN chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn rất xa thị trường...

anh-minh-hoa.jpg
6 tháng đầu năm 2023, tổng GTPH TPDN giảm 73,3% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

6 tháng, phát hành riêng lẻ giảm 75,6% so với cùng kỳ

Báo cáo Thị trường trái phiếu quý II/2023 của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, quý II có 29 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023 và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng GTPH và 1 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 2.000 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng GTPH (số liệu tổng hợp tới đầu tháng 7). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng GTPH TPDN đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ; trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ, tổng GTPH ra công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ.

Theo phân tích của VNDIRECT, sau một số đợt phát hành có giá trị cao trong tháng 3 - thời điểm ngay sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, hoạt động phát hành riêng lẻ trong quý II/2023 lại trầm lắng. VNDIRECT cho rằng, nguyên nhân chính là niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh nhiều tổ chức phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và dòng tiền, dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 7, có 36 doanh nghiệp (DN) phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng (giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu là DN bất động sản (chiếm 54,2%), tiếp đến là tổ chức tín dụng (31,6%). Trong bối cảnh thị trường biến động, nhiều DN đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn. Khối lượng mua lại trước hạn là 135.300 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ TPDN riêng lẻ tại thời điểm cuối tháng 7 khoảng 1,02 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành triển khai các giải pháp đã bước đầu đưa thị trường TPDN ổn định trở lại. Tuy nhiên, thị trường chưa phục hồi ngay do kinh tế khó khăn nên nhu cầu vốn của DN giảm. Hơn nữa, nhà đầu tư cá nhân thận trọng sau các vụ việc về TPDN liên quan đến việc ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu trong thời gian qua đang được cơ quan chức năng xử lý. DN và tổ chức cung cấp dịch vụ quan ngại về các vi phạm nên hạn chế việc phát hành mới. Ngoài ra, cầu đầu tư TPDN giảm do theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các DN bảo hiểm từ năm 2023 không được đầu tư một số sản phẩm TPDN.

Áp lực đáo hạn tiếp tục gia tăng trong nửa cuối năm

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều DN gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các DN chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến cuối tháng 6/2023, khoảng 59 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. VNDIRECT ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này khoảng 159.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng hơn 43.800 tỷ đồng TPDN của các DN trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Cũng theo VNDIRECT, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý III/2023. Áp lực TPDN đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền, việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những tổ chức phát hành này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình. VNDIRECT ước tính, giá trị đáo hạn TPDN trong năm 2023 khoảng 223.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cùng kỳ. Quý III/2023, sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng TPDN đáo hạn, tăng 14,9% so với quý II/2023.

Với khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn kể trên trong nửa cuối năm, giới chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN còn nhiều khó khăn nếu thị trường bất động sản không được tháo gỡ.

Để thúc đẩy thị trường TPDN thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý, giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ; triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng đối với các DN đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các DN có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu. Ngoài ra, Bộ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của DN phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư./.

Để khôi phục nhu cầu trái phiếu và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, việc định hình lại cấu trúc thị trường, giảm thiểu tỷ lệ tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư cá nhân sẽ cần được xem xét.

SSI Research

Cùng chuyên mục
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng