Thị xã Hương Thủy – Thừa Thiên Huế: HTX liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu hướng tới sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có nguồn gốc càng lớn, vừa qua, một số Hợp tác xã (HTX) của thị xã Hương Thủy – tỉnh Thừa Thiên Huế tại và người dân trên địa bàn thị xã đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể, trên địa bàn thị xã Hương Thủy có các mô hình như: sản xuất lúa liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ, trồng lúa hữu cơ tại xã Thủy Phù và Phù Nam, rau thủy canh nhà lưới ở Thủy Châu, Thủy Tân... Tuy những sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, đơn cử như rau thủy canh của HTX nông nghiệp Thủy Tân, nhưng nhìn chung, hình thức liên kết vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường; người dân còn gặp khó khăn trong xây dựng quy trình sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Không chỉ vậy, việc triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp khó khăn nhất định khi quá phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát… khiến hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết, trong khi giá vật tư đầu vào khá cao, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới… để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Từ thực tế này, vừa qua, UBND thị xã Hương Thủy phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đây là cầu nối, giúp các HTX, bà con nông dân có điều kiện tiếp cận, đối thoại trực tiếp với các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hợp tác, liên kết sản xuất.

Từ nhu cầu và tiềm năng sẵn có của địa phương, giai đoạn 2023-2025, Hương Thủy tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ (gà, lợn), tập trung các địa phương như: Phú Sơn, Thủy Phù, Thủy Phương…; đầu tư phát triển thêm khoảng 140ha lúa hữu cơ tại: Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Lương, Thủy Châu. Định hướng đến năm 2025, sẽ xây dựng quy trình chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ.

Để giới thiệu sản phẩm hữu cơ rộng rãi cũng như ở chiều ngược lại, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ, Hương Thủy cũng sẽ xây dựng 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên toàn địa bàn, đồng thời, phấn đấu xây dựng mỗi xã/phường có ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo hướng hữu cơ.

Ngoài ra, Hương Thủy cũng hướng đến mục tiêu mở rộng và hình thành mới các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn, đất canh tác an toàn theo hướng hữu cơ đạt 3% đất sản xuất nông nghiệp với một số cây con chủ lực, ở các vùng sản xuất tập trung của thị xã.

huong-thuy-1.jpg
Giới thiệu sản phẩm hữu cơ để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT thị xã Hương Thủy, hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn đạt trung bình doanh thu khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Các HTX trực tiếp liên kết với các doanh nghiệp, HTX khác và nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt.

Từ đó, số lượng HTX đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng đều qua các năm. Tổng doanh thu của các HTX năm 2022 đạt trên 81 tỷ đồng, lợi nhuận trên 4,9 tỷ đồng. Diện tích rừng trên địa bàn thị xã tăng hơn 573 ha. Lũy kế từ trước đến nay, trên địa bàn thị xã có gần 3.000 ha được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Sau thời gian triển khai thực hiên chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cùng với sự quan tâm hỗ trợ của UBND thị xã Hương Thủy và các sở ngành liên quan, nhiều HTX trên địa bàn đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng phát triển thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cả 7/7 xã của thị xã Hương Thủy đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững, chủ yếu là lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, sản xuất cung ứng giống cây lâm nghiệp, cơ sở giết mổ tiêu thụ lợn cho nông dân.

huong-thuy-2.jpg

Nhìn chung, các mô hình HTX liên kết tiêu thụ chặt chẽ với doanh nghiệp, là thế mạnh của địa phương. Việc thực hiện mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương đã góp phần ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo tính bền vững trong tổ chức sản xuất.

Cùng chuyên mục
Thị xã Hương Thủy – Thừa Thiên Huế: HTX liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ