Thoát nghèo nhờ cây trồng chủ lực

(BKTO) - Với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, từng bước giúp bà con phát triển sản xuất, thoát nghèo, ổn định và nâng cao cuộc sống.

ban-sen.jpg
Nông dân thu hoạch chè búp tươi ở xã Bản Sen, huyện Mường Khương. Ảnh: TL

Từ cây "xóa đói giảm nghèo" thành cây "làm giàu"

Là một trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc Mông và Nùng, trước đây, bình quân thu nhập của người dân xã Lùng Khấu Nhin chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.

Thời gian qua, sự hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, trong đó có các chương trình Mục tiêu quốc gia đã tạo nguồn lực to lớn để xã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện ủy Mường Khương, cùng với các cây, con truyền thống, xã Lùng Khấu Nhin tập trung tuyên truyền, vận động bà con đưa cây chè vào trồng.

Chính sách hỗ trợ người dân 30 triệu đồng/ha khi tham gia trồng chè đã thu hút được đông đảo người dân, tạo không khí phấn khởi và đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương của xã, huyện, đưa cây chè vào trồng.

Cây chè đã thực sự trở thành cây xóa đói cho bà con nhân dân trong xã. Đến nay, toàn xã có 403,5 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 200 ha, năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng 1.614 tấn/năm. Tổng số hộ tham gia trồng chè là 484/684 hộ, chiếm 70,76% tổng số hộ của xã. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã Lùng Khấu Nhin đã giảm hơn một nửa.

Nhờ trồng chè, cuộc sống của 182 hộ dân thôn Phẳng Tao, xã Bản Sen, ngày càng ổn định, phát triển. Với đa số là đồng bào người Nùng và người Giáy, trước năm 2000, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chìm trong nghèo đói với thói quen canh tác ngô và lúa.. Thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bản Sen nhiệm kỳ 2000 - 2005 đã xác định đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cấp ủy đảng, chính quyền vận động Nhân dân tiếp cận kỹ thuật canh tác chè, trong đó đảng viên tiên phong, gương mẫu. Đến nay, gần 100% hộ dân ở Phẳng Tao trồng chè, trong đó nhiều diện tích chè trên 20 năm tuổi.

Nói về hành trình để cây chè bén đất Phẳng Tao, ông Nông Văn Sền - một trong những đảng viên tiên phong trồng chè trên mảnh đất này nhớ lại: Thời điểm đó, khi có chủ trương đưa cây chè về Bản Sen, một số đảng viên đã phát huy tinh thần gương mẫu, được hỗ trợ vay khoảng 5 triệu đồng từ ngân hàng để mua giống, phân bón trồng chè với số lượng khoảng 3.000 cây ban đầu. Năm 2005, chè cho thu hoạch những lứa đầu tiên nhưng chưa có hợp tác xã hay nhà máy thu mua, nên bị tư thương ép giá thấp. Khiến cho nhiều người chán nản, có ý định nhổ bỏ cây chè. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2008 - 2009, nhà máy chế biến chè được xây dựng, giá bán chè búp tươi dần ổn định, hiệu quả kinh tế dần rõ nét. Người dân nhận thấy giá trị thu nhập cây chè đem lại đã mạnh dạn làm theo.

Hiện, Phẳng Tao trở thành vùng chè rộng lớn nhất Bản Sen với năng suất, chất lượng chè thuộc tốp cao nhất huyện Mường Khương. Năng suất chè bình quân của Phẳng Tao đạt 10 - 15 tấn/ha/năm. Sản lượng đạt trên 2.000 tấn/năm. Từ cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây chè trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân với thu nhập có thể lên trên 200 triệu đồng/năm.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực tế chứng minh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững tại các xã của huyện Mường Khương.

dua-muong-khuong.jpg
Dứa cũng là một trong những cây trồng chủ lực, thúc đẩy giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Mường Khương. Ảnh: TL

Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mường Khương luôn chú trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; kêu gọi doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư nhà máy chế biến nông sản.

Đồng thời, đẩy mạnh duy trì và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tính đến nay, toàn huyện có tổng diện tích 5.900 ha chè, với sản lượng chè búp tươi đạt trên 36.400 tấn. Giá trị sản lượng đạt trên 261 tỷ đồng. Tình hình tiêu thụ thuận lợi, giá bán giao động từ 6.500 - 7.500 đồng/kg chè Shan, 10.000 - 12.000 đồng/kg chè Kim Tuyên.

Việc ổn định giá bán đã giúp người dân có thêm động lực gắn bó với loại cây trồng này. Đó cũng là cơ sở để người dân các xã vùng cao tin tưởng vào chủ trương mở rộng diện tích chè thay thế các nương đồi trồng các cây trồng truyền thống kém hiệu quả trước đây. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2024, diện tích trồng mới toàn huyện đạt gần 450 ha.

Ngoài ra, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các cây con chủ lực và phát huy các cây trồng tiềm năng để đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây trồng chủ lực, tiềm năng, có đầu ra ổn định theo chuỗi liên kết; đồng thời, phát huy thế mạnh các vùng cây trồng đặc sản; chú trọng quy hoạch, cơ cấu lại vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, năm 2024, toàn huyện trồng mới được 405 ha chuối, nâng diện tích chuối toàn huyện lên 955. Sản lượng ước đạt 16.500 tấn, giá trị sản lượng đạt 165 tỷ đồng. Diện tích dứa trồng mới đạt150 ha, nâng diện tích dứa toàn huyện lên 1.790. Sản lượng năm 2024 ước đạt 41.160 tấn, giá trị sản lượng 267 tỷ đồng. Diện tích quýt toàn huyện 865 ha. Sản lượng ước đạt 7.872 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 157 tỷ đồng. Cây lúa Séng cù diện tích 600 ha, sản lượng ước đạt 3.228 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 46 tỷ đồng.

Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, đến nay, huyện biên giới Mường Khương đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 80% đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Đặc biệt, thu nhập của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Cụ thể, trong năm 2024, toàn huyện có hơn 2.700 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi, tổng số tiền trên 204 tỷ đồng; gần 1.100 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 7,5%, thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người.

Thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện Mường Khương cho biết, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn tăng cường rà soát thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; lựa chọn cây, con giống phù hợp hỗ trợ bà con phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao hơn, qua đó, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong huyện./.

Đến năm 2025, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt trên 6.500 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 10.400 tỷ đồng; chuyển đổi khoảng 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Định hướng đến năm 2050, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng chuyên mục
  • Nam Định dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng về tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2025
    17 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 11,86%. Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước đến nay; đứng thứ 3 cả nước và dẫn dầu vùng Đồng bằng sông Hồng.
  • Quảng Ninh: Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 14%
    17 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Bằng nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, kết thúc Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh Quảng Ninh đã đạt 10,91%, đứng thứ 7 cả nước (sau Bắc Giang, Hoà Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu và Hải Phòng). Đây là tiền đề thuận lợi để Quảng Ninh tạo đà tăng tốc, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2025.
  • Dấu ấn Thành Nam
    17 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Thành Nam - tên gọi xưa của TP. Nam Định - không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm, truyền thống hào hùng ấy chính là nguồn động lực để TP. Nam Định phát triển kinh tế - xã hội, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh của dân tộc.
  • Vĩnh Long: Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 10.624 tỷ đồng, tăng 8,1%
    18 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2025 của tỉnh Vĩnh Long đạt 10.624 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 0,11 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
  • Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công
    18 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Thời gian tới, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư và phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch được giao, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cơ bản nhất trí với ý kiến của UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, cơ quan liên quan và đề nghị Thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thoát nghèo nhờ cây trồng chủ lực