Thu gọn đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

(BKTO) - Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.

Chiều 23/4, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

202404231516565540_dsc_6196-ct-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Điều chỉnh ngưỡng doanh thu thuộc diện không chịu thuế GTGT

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) quy định hàng hoá, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật hiện hành thành “dưới mức do Chính phủ quy định”.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế -xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Do đó, đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành như mức giảm trừ gia cảnh của thuế Thu nhập cá nhân, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng… để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong Dự thảo Luật.

202404231540289354_dsc_6245-bt.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Về nội dung này, phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để đảm bảo tính minh bạch và cụ thể của Luật, nên nghiên cứu để có quy định mức cụ thể trong Luật, không giao Chính phủ quy định như đề xuất của Chính phủ.

“Nếu vẫn giao thì chúng tôi đề nghị giao UBTVQH quy định dưới mức nào, không nên để đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà chúng ta giao cho Chính phủ”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, hạn mức 100 triệu đồng quy định tại Luật hiện hành đến nay đã có nhiều bất cập do có sự điều chỉnh về chỉ số giá tiêu dùng, GDP bình quân đầu người.

Do đó, việc điều chỉnh hạn mức 100 triệu đồng là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo công khai, minh bạch và áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, căn cứ tốc độ tăng GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như tình hình thực tiễn, ông Cường thống nhất với ý kiến của Cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định mức doanh thu dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT ngay trong Dự thảo Luật.

Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế).

Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để phù hợp với thực tế phát sinh; bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế GTGT để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất trên, Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).

Góp ý về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu, bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang tính trợ giúp cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế thực hiện an sinh xã hội, phi lợi nhuận…

Cũng đề cập đến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu ý kiến của các nhà khoa học về việc đưa thêm đối tượng sách chuyên khảo, báo chí, xuất bản vào đối tượng không chịu thuế GTGT. “Hiện nay, báo giấy và báo điện tử đều rất khó khăn trong vấn đề kinh tế báo chí, trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển. Các đồng chí nghiên cứu thêm vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nghiên cứu, bổ sung thêm một số đối tượng không chịu thuế GTGT có tính chất ưu tiên, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thực tế, một số ý kiến đề xuất, ngoài máy móc, thiết bị vật tư mà thuộc loại trong nước chưa sản xuât được cần nhập khẩu, sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thì bản thân công nghệ nhập cũng cần được coi là đối tượng không chịu thuế.

Đối với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thuyết minh kỹ, phân tích thấu đáo, lý giải kỹ hơn việc áp dụng thuế suất 5% đối với mặt hàng này.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cần làm rõ “vì sao lúc đánh thuế phân bón 5%, rồi 0%, bây giờ tiếp tục lại áp mức 5%”.

Cùng chuyên mục
Thu gọn đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng