Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp

(BKTO) - Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay - Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.



                
   

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về vấn đề xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Ảnh minh họa: VPQH

   

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, việc ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng trong hoạt động thanh tra, đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm thực hiện.

Trong 9 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 1 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%), 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,4%).

Về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, có 1.895 việc thi hành xong, tương ứng với 15.989, 592 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

“Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Nêu 5 nguyên nhân của tình trạng trên, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ:

Thứ nhất, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.

Thứ hai, số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi.

Thứ ba, thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm dẫn đến tài sản dễ bị tẩu tán, che giấu.

Thứ tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán...

Thứ năm, có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi; trong một số vụ án, vụ việc vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn; việc phối hợp trong tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định về xử lý sau thanh tra và tăng cường các biện pháp chế tài xử lý hành vi vi phạm trong công tác này, nhằm thu hồi tài sản qua hoạt động thanh tra, đồng thời bổ sung lực lượng cán bộ, công chức đủ mạnh để làm công tác này.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, thu hồi tài sản; tăng cường trách nhiệm để các Bộ, ngành, địa phương, các đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và có giải pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra.

Các cấp, các ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời quan tâm chỉ đạo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trực tiếp là các ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên, Môi trường, Tư pháp và các ngành có liên quan; nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện và kết luận, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản.

Cùng với đó là tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự…
         
Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỷ đồng, 8.240,8 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 317 vụ, 199 đối tượng.
   Hiện nay, Ngành đang triển khai thanh tra quản lý nhà nước về xăng dầu; chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia tại một số địa phương.../.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp