Thu thuế thương mại điện tử: Cơ hội và áp lực quản lý

(BKTO) - Trong nửa đầu năm 2025, thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số đạt xấp xỉ 98.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây không chỉ là cơ hội lớn để tăng nguồn thu ngân sách mà còn đặt ra không ít áp lực mới trong việc kiểm soát nghĩa vụ thuế, hoàn thiện pháp luật và quản lý chặt các mô hình kinh doanh trên không gian số.

12a.jpg
Trong nửa đầu năm 2025, thuế thu từ hoạt động TMĐT và kinh tế số đạt xấp xỉ 98.000 tỷ đồng. Ảnh: ST

Số thuế thu từ thương mại điện tử lập kỷ lục

Tổng Cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số thu từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT và các lĩnh vực kinh tế số khác đạt xấp xỉ 98.000 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng vượt trội, phản ánh rõ nét xu thế dịch chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sang môi trường số, đồng thời cho thấy những nỗ lực đáng kể của ngành thuế trong việc mở rộng cơ sở thu và siết quản lý những lĩnh vực trước đây vốn bị xem là “vùng xám”.

Cụ thể, có gần 93.000 tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT đã nộp 88.600 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, riêng nhóm hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT chiếm tới hơn 752.000 trường hợp, đóng góp gần 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, 159 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, TikTok, Shopee đã thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của ngành thuế với tổng số tiền 5.700 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Luật không chỉ để siết chặt quản lý mà còn tháo gỡ rào cản, khuyến khích TMĐT phát triển có trật tự, có trách nhiệm và bền vững. Nếu thiếu lộ trình hợp lý, thiếu chính sách hỗ trợ đăng ký kinh doanh, yêu cầu xác thực danh tính thì điều này có thể đẩy một bộ phận lớn người bán nhỏ lẻ rời khỏi thị trường chính thức, quay về kinh doanh “chui”, dẫn đến thất thu thuế dưới hình thức khác.

Luật sư Bùi Văn Đức - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Không chỉ dừng lại ở thuế tự nộp, cơ quan thuế cũng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý thất thu. Trong nửa đầu năm, ngành thuế đã truy thu hơn 543 tỷ đồng của 1.831 doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, có 550 trường hợp bị xử lý truy thu khoảng 35 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, quy mô TMĐT bán lẻ B2C của Việt Nam đã vươn từ mức 2,97 tỷ USD vào năm 2014 lên tới 25 tỷ USD năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô thị trường TMĐT và đứng thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng. Đây được coi là “mỏ vàng” tiềm năng cho nguồn thu ngân sách.

Áp lực quản lý livestream, tiếp thị liên kết và kiểm soát dữ liệu

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cũng khiến việc quản lý thuế và bảo vệ người tiêu dùng trở nên phức tạp hơn, nhất là khi các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện như: livestream bán hàng, tiếp thị liên kết (affiliate), TMĐT xuyên biên giới qua các nền tảng mạng xã hội.

12b.jpg
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT khiến việc quản lý thuế và bảo vệ người tiêu dùng trở nên phức tạp hơn. Ảnh: ST

TS. Nguyễn Thị Cẩm Giang - Học viện Ngân hàng - chỉ rõ, thách thức lớn nhất hiện nay là xác định danh tính, địa chỉ kinh doanh thực tế của người bán, đặc biệt với các cá nhân không đăng ký kinh doanh chính thức, không có mã số thuế. Việc này gây khó khăn lớn cho cơ quan thuế trong quá trình xác minh thu nhập và truy thu thuế.

Ngoài ra, theo bà Giang, việc thu thập, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng và cơ quan thuế vẫn còn nhiều hạn chế. Các nền tảng xuyên biên giới như TikTok hiện chưa có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu người bán, doanh thu hay lịch sử giao dịch cho cơ quan thuế Việt Nam. Điều này khiến việc xác minh thu nhập và truy thu thuế gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi) thiết kế 6 nhóm chính sách trọng điểm, trong đó quy định rõ trách nhiệm xác thực danh tính người bán, bắt buộc các đối tượng livestream cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và cam kết đúng nội dung quảng cáo đã đăng ký. Dự Luật cũng cấm tuyệt đối các phát ngôn gây hiểu nhầm về công dụng, xuất xứ, chính sách khuyến mại và hậu mãi.

Một điểm đáng chú ý khác là Dự Luật yêu cầu các nền tảng minh bạch thuật toán hiển thị sản phẩm, không được tự ý ưu tiên hay giấu sản phẩm mà không công bố tiêu chí. Theo Bộ Công Thương, quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm minh bạch của các nền tảng, tránh thao túng thị trường, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng. Tuy vậy, để giám sát tự động được hàng trăm nghìn livestream, video quảng cáo mỗi ngày, cơ quan quản lý cần đầu tư mạnh vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, Blockchain, đồng thời ban hành các chuẩn định dạng dữ liệu thống nhất cho việc kiểm tra.

Khấu trừ thuế tại nguồn - Cần có hướng dẫn cụ thể

Nhằm nỗ lực quản lý tốt hơn nghĩa vụ thuế trên không gian số, từ ngày 01/7/2025, Nghị định số 117/2025/NĐ-CP quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của hộ, cá nhân có hiệu lực, quy định rõ trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân ngay tại nguồn đối với các nền tảng TMĐT.

Theo đó, ngay khi giao dịch bán hàng được xác nhận thành công, các sàn TMĐT như Shopee, Lazada hay TikTok Shop sẽ phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ doanh thu rồi nộp thay cho hộ, cá nhân kinh doanh. Đây được xem là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng thất thu, bởi không phải đợi đến cuối tháng, cuối năm mới tổng kết nghĩa vụ thuế mà thực hiện ngay từng giao dịch.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - nhận định: Quy định này gỡ được nút thắt lớn nhất về xác định tỷ lệ nộp thuế, quyền và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, cơ chế khấu trừ ngay khi phát sinh doanh thu sẽ giúp minh bạch hóa từng giao dịch, tạo sự công bằng cho kinh doanh truyền thống vốn phải kê khai, nộp thuế đầy đủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu không có cơ chế hướng dẫn minh bạch, dễ hiểu và các dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho nhóm kinh doanh nhỏ sẽ dễ phát sinh tâm lý ngại kê khai, tìm cách lách luật, hoặc từ bỏ thị trường chính thức.

Việc thu thuế từ TMĐT lập kỷ lục trong nửa đầu năm nay là một tín hiệu đáng mừng cho ngân sách nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò ngày càng lớn của kinh tế số trong cơ cấu tăng trưởng. Tuy nhiên, để duy trì nguồn thu bền vững, nước ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, củng cố năng lực giám sát của cơ quan quản lý và tăng cường phối hợp với các nền tảng cả trong và ngoài nước. Chỉ khi đó, TMĐT mới thực sự trở thành động lực phát triển dài hạn./.

Cùng chuyên mục
  • Bảng giá đất mới: Tránh gây sốc, giữ thị trường ổn định
    22 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc bỏ khung giá đất, trao quyền cho các địa phương ban hành bảng giá đất tiệm cận thị trường là bước tiến đột phá trong công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, việc xây dựng bảng giá đất cần được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, khoa học, đảm bảo cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, để nguồn lực đất đai phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • Ngành ngân hàng đang “khát” nhân lực công nghệ thông tin
    23 giờ trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - “Chưa bao giờ ngành ngân hàng “khát” nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin như hiện nay” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn: “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” do Tạp chí Một Thế Giới và Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/7.
  • Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì về lãi suất, tỷ giá?
    23 giờ trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 diễn ra ngày 16/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã nói về định hướng điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng trong thời gian tới.
  • Phát huy vai trò cơ quan tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Chiều 16/7, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025.
  • Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ APA - Thay đổi đột phá trong cải cách thủ tục hành chính về thuế
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Việc trao quyền cho Bộ Tài chính phê duyệt hồ sơ thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) theo Nghị định 122/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong quản lý thuế, có hiệu lực từ 01/07/2025 (Nghị định 122) không chỉ thay đổi về mặt quy trình mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong đàm phán thuế quốc tế, tiến tới phê duyệt và ký kết hồ sơ APA.
Thu thuế thương mại điện tử: Cơ hội và áp lực quản lý