Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức Việt Nam đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.
Hội nghị đã thảo luận về 3 chủ đề là định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của người dân, của các chuyên gia, nhà khoa học, DN, “lắng nghe hơi thở cuộc sống hiện nay, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó để phát triển bền vững”. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước ý kiến của các chuyên gia cho rằng, trong khó khăn, Việt Nam vẫn có dư địa lớn để tăng trưởng. Điều đó củng cố thêm niềm tin nếu quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện tốt thì sẽ đem lại kết quả tốt.
Từ ý kiến này, Chính phủ sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Trên tinh thần lắng nghe và hành động, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật. Hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS. Hausmann, GS. Trần Văn Thọ, PGS. Trần Ngọc Anh và các chuyên gia khác về công nghiệp, thương mại để đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt Nam và các chính sách về công nghiệp hóa.
HUYỀN NGỌC
(Theo chinhphu.vn)