Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11

(BKTO) - Thủ tướng yêu cầu các địa phương trên cả nước cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là trong nhiệm vụ phòng, chống COVID-19.




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 2/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020; đồng thời thống nhất những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong tháng cuối năm 2020, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tháng 11 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước mà trong đó Chính phủ đóng vai trò quan trọng.

Quốc hội kết thúc Kỳ họp thứ 10, khóa XIV đã thông qua nhiều luật, ban hành nghị quyết và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời phê chuẩn 3 bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của các bộ ngành, hoạt động trả lời chất vấn tích cực của các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ X của Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Theo đó, gần như 100% các thành viên Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và thuyết phục. Điều đó cho thấy bản lĩnh, nắm vững các vấn đề, nội dung một cách chắc chắn của các thành viên Chính phủ.

Thủ tướng cũng nhắc đến thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan; trong đó có vai trò quan trọng của công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam, đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Hội nghị đã có 84 văn kiện được thông qua - số văn kiện kỷ lục được thông qua tại một kỳ ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương, trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định RCEP với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác, tạo nên một thị trường lớn với 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 26,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, trong công tác kết nối khu vực phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, sáng kiến kết nối được các thành viên ASEAN ủng hộ, đánh giá cao.

Về tình hình trong nước, Thủ tướng cũng nêu rõ: Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo, trực tiếp xử lý, giải quyết việc khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp.

Chính phủ đã cấp gần 16 nghìn tấn gạo và 1.300 tỷ đồng để phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó là nguồn lực từ lòng hảo tâm của đồng bào, nhân dân cả nước trước hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà các cơn bão liên tục đồ dồn vào miền Trung thời gian qua.

Về sự việc phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh gần đây, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu nhanh chóng khoanh vùng, cách ly. Cùng với đó là kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân và tổ chức xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm quy định về cách ly y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.

Qua sự việc này, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trên cả nước cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là trong nhiệm vụ phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống COVID-19 sẽ có các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực thi công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.

Thủ tướng cũng đề cập đến yêu cầu đảm bảo tổ chức thành công, an toàn, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với nhiều sự kiện lớn sẽ diễn ra trong tháng 12 này bao gồm Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Hà Nội với hơn 2.000 người tham gia và song song với đó là gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành liên quan, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng ở mức từ 2,5% đến dưới 3% trong năm 2020. Nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định Việt Nam có thể tăng trưởng từ 2,5-2,8% trong năm 2020.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam là một điểm sáng khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt được những kết quả khả quan.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân trong 11 tháng của năm 2020 CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu ở mức kỷ lục với 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; 11 tháng 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).

Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%).

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 11 đời sống của người dân nhìn chung ổn định.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 sẽ diễn ra hết ngày 2/12./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11