Thủ tướng: Kiên quyết nhưng bình tĩnh chống dịch COVID-19

(BKTO) - Chiều 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình và giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.



Đã điều trị khỏi 16/16 trường hợp

Cập nhật về tình hình dịch bệnh (đến 12h00 ngày 24/2/2020), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Trên thế giới ghi nhận 79.363 trường hợp mắc tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 2.619 trường hợp tử vong, số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Một số quốc gia khác có sự gia tăng và đã phát hiện trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp mắc, 1 tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường hợp mắc, 3 tử vong). Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất. Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, có sân bay quốc tế và có 14 chuyến bay thẳng đến Việt Nam; đồng thời tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang có nhiều công dân Việt Nam sinh sống (trên 50.000 người). Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta thông qua các chuyến bay từ thành phố Daegu là rất lớn nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/2/2020. Đến nay là 16 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Đã điều trị khỏi 16/16 trường hợp, trong đó 15/16 trường hợp đã ra viện, 1 trường hợp theo dõi thêm một số ngày nữa để bảo đảm an toàn tuyệt đối trước khi ra viện. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong.

Kiên quyết nhưng bình tĩnh trong chống dịch

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, dịch đã kéo dài từ trước Tết Nguyên đán 2020 đến nay, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh.

Theo Thủ tướng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; khoa học, công nghệ được áp dụng mạnh mẽ, các biện pháp cách ly được thực hiện hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19, các địa phương, ban ngành đã hoạt động liên tục. 4 ngày 1 lần, Thường trực Chính phủ nghe báo cáo, đề ra các giải pháp quyết liệt hơn, trách nhiệm để làm tốt nhất việc bảo vệ sức khỏe tính mạng công dân.

Tuy nhiên, hiện nay dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, sau Trung Quốc, dịch đã bùng phát ở các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc,... Đây là những quốc gia có mối quan hệ kinh tế, giao thương hàng đầu với Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: "không để tình trạng lây lan ảnh hưởng đến Việt Nam, tiếp tục bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân là yêu cầu, việc phải làm cho được, đây là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay".

Theo Thủ tướng, quyết tâm và hành động của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch đã có nhiều kết quả, thành công ban đầu, tạo niềm tin của nhân dân, quốc tế.

Thủ tướng đánh giá, dịch COVID-19 không chỉ là phép thử lớn đối với ngành y tế, mà còn là phép thử trên mọi phương diện, về hiệu lực, hiệu quả trong điều hành của các ngành, các cấp, các địa phương. Toàn xã hội đã phản ứng hết sức trách nhiệm, nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ. Chúng ta đã xử lý các bất cập rất kịp thời; nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn cùng chính quyền.

"Đối với chống dịch này, chúng ta không thấy việc hành chính quan liêu. Một tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm. Một thành quả với Việt Nam là niềm tin của nhân dân, sự ghi nhận của quốc tế về tinh thần Việt Nam, sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý vẫn còn những bất cập, tồn tại từ thực tiễn. Đó là khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý; vẫn còn một số ít ngành, địa phương chủ quan; hành động tăng cường khả năng ứng phó cần phải tốt hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn là tiếp tục các biện pháp phòng chống hiệu quả, khống chế dịch COVID-19 tại Việt Nam một cách căn bản. Không được chủ quan đối với dịch; đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung ở các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước; cần sớm phấn đấu để không ai có bệnh mà không biết tới, nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân trong nước và người nước ngoài tại Việt Nam.

Cách ly là một biện pháp quan trọng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cấp, ngành thực hiện các biện pháp đồng bộ, cách ly kịp thời mọi trường hợp từ vùng có dịch đến Việt Nam; thực hiện tốt công tác khoanh vùng, dập dịch như tại Vĩnh Phúc vừa qua...

Ngành Y tế cả nước thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; phát hiện sớm các trường hợp, đề phòng chủ động; hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo người dân hạn chế, không đi đến những vùng có dịch bệnh khi không cần thiết. Các chuyến bay cần được tính toán; các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế để tránh lây lan...

Thủ tướng đồng ý ban hành thêm 1 Chỉ thị về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 sau cuộc họp Thường trực Chính phủ này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh trong chống dịch. Cố gắng thực hiện mục tiêu kép, đó là chống dịch tốt nhưng vẫn đảm bảo vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh...". Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để bảo đảm ổn định các mặt của đời sống xã hội, khi dịch giảm hoặc dịch dừng lại thì đất nước kịp phục hồi sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội.

Ngành du lịch khởi động về du lịch Việt Nam an toàn, hàng không an toàn. Các ngành tiếp tục tìm thị trường mới, nhất là các vùng, các nước ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp, công ty khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ dịch bệnh bằng các biện pháp chủ động hơn; sẵn sàng đón các dòng đầu tư từ các nước đến Việt Nam; đẩy mạnh xuất khẩu một số ngành không ảnh hưởng bởi dịch như gỗ, trái cây, thủy sản, điện tử,...

Về lịch cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, Thủ tướng yêu cầu xem xét cụ thể tình hình dịch bệnh quốc tế để quyết định trong cuộc họp tiếp theo của Thường trực Chính phủ dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Thống nhất giải pháp tháo gỡ vướng mắc kinh phí cho ngành đường sắt
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách Nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, một nhiệm vụ được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách, Tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; đồng thời phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Theobaotintuc.vn
Cùng chuyên mục
Thủ tướng: Kiên quyết nhưng bình tĩnh chống dịch COVID-19