Thủ tướng phát động Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân 2022 xuyên Tết

(BKTO) - Sáng 20/01, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022. Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên Tết mang tên Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân 2022.



Tiêm vắc xin Covid-19 “về đích” sớm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu dịch Covid-19 đến ngày 19/01, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, trong đó có 36.114 ca tử vong (1,7% tổng số ca nhiễm). Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn.
                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Y tế

   

Thời gian qua, ngành Y tế đã quyết liệt triển khai giám sát quản lý rủi ro dịch Covid-19 tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, nơi thường xuyên có đông người như: chợ, siêu thị, nhà ga, bến xe, cơ sở khám, chữa bệnh, trường học…). Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các yêu cầu về “5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp khác”. Đặc biệt, Việt Nam đã tập trung vào chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử.

Từ nước tiếp cận vắc xin chậm nhưng đến nay tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của Việt Nam đã thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.

Tính đến hết năm 2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều. Tính đến ngày 19-1, nước ta đã tiếp nhận 209,6 triệu liều. Hiện, cả nước đã tiêm được hơn 172 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78,4 triệu liều, mũi 2 là 71,7 triệu liều và mũi 3 là 14,3 triệu liều. Tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cùng với các kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế. Biến thể Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 lây lan nhanh, đột ngột, gây quá tải hệ thống y tế của một số địa phương. So với thời kỳ tháng 8 và tháng 9/2021, đến nay, số tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao. Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vắc xin…

Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ rõ, số ca bệnh nặng tăng cao khiến cơ sở vật chất của nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn; năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập. Đặc biệt, qua 2 năm chống dịch, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao... Thời gian qua, đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.

Khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, vướng mắc trong phòng, chống dịch

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung cũng như sự đóng góp quên mình của các cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch nói riêng, đồng thời nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm được đúc rút qua hoạt động chống dịch thời gian qua.
                
   

Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Bộ Y tế

   

Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân.

Toàn ngành tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện chế độ "trực chiến", sẵn sàng cho mọi tình huống; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế tiếp tục triển khai "thần tốc, thần tốc hơn nữa" thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; phối hợp cùng ngành giáo dục có phương án an toàn, hiệu quả mở cửa trường học trở lại; hoàn thành các mục tiêu được giao.

Đồng thời, tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vắc xin, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước. Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp; tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0; bảo đảm tất cả mọi người mắc Covid-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp; dự báo về các biến chủng mới của SARS-CoV-2 và sự xâm nhập vào Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng, chống dịch phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu ngành y tế cần chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch như cấp phép lưu hành thuốc, vaccine, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… đặc biệt là cơ chế mua sắm.

Cùng với đó, nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch Covid-19; tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế...

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên Tết (diễn ra từ ngày 01/2 đến 28/2/2022) mang tên Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân 2022. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch hướng dẫn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; các địa phương phải tập trung thần tốc và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc xin để “mở cửa” an toàn nhằm phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Thủ tướng phát động Chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân 2022 xuyên Tết