Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ

(BKTO) - Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, trong đó có SDG 5 - Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em với sự ghi nhận tích cực từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

15-thay.jpg
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn về bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ. Ảnh minh họa

Phát triển nguồn cán bộ, chủ doanh nghiệp nữ tiềm năng

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông liên tục được tăng cường nhằm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách và của toàn xã hội về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong tham chính. Mô hình vườn ươm lãnh đạo nữ trẻ được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tạo nguồn lãnh đạo nữ trong tương lai, cũng như phát triển, kết nối mạng lưới cán bộ nữ, giới thiệu cán bộ nữ tiềm năng, tổ chức các hoạt động hướng dẫn kèm cặp giữa cán bộ nữ có kinh nghiệm và cán bộ nữ trẻ.

Tuy nhiên, tỷ lệ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp Bộ, tỉnh, huyện và xã năm 2023 lần lượt là 59%, 82,4%, 40,5% và 37,9%. Với kết quả này sẽ rất khó đạt được lộ trình đặt ra vào năm 2025 và 2030 tương ứng với 60% và 75% cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có cán bộ chủ chốt là nữ - đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu vấn đề.

Dù rằng để triển khai Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”, Bộ Nội vụ đã xây dựng Kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ nguồn; tập huấn chuyên sâu cho hàng trăm nữ lãnh đạo, quản lý trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025”. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khu vực liên quan công tác cán bộ nữ làm cơ sở đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các giải pháp tăng cường công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ.

Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 72 với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với năm 2022 với những bước tiến lớn trong thực hiện bình đẳng giới.

Đối với việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá, trong năm 2023, vấn đề này tiếp tục được đẩy mạnh. Thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các văn bản hướng dẫn, Bộ KHĐT đã chủ trì xây dựng các bài giảng về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp trên Hệ thống đào tạo trực tuyến cho DNNVV. Đặc biệt, Bộ đã hỗ trợ đào tạo trực tiếp cho khoảng 40 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, kèm theo tư vấn các nội dung về hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cho gần 100 DNNVV, trong đó có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ngoài ra, Bộ đã chủ động huy động nhiều nguồn tài trợ quốc tế để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ.

Bất bình đẳng giới vẫn hiện hữu trong cuộc sống

Lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết, trong khuôn khổ thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, kết quả đạt được năm 2023 rất đáng chú ý với 4,6 triệu hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp, nâng tổng số lượt hội viên phụ nữ được tuyên truyền đến nay là 18,2 triệu người; hỗ trợ 15.128 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, nâng tổng số phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ đến nay là 78.922 người; phối hợp, hỗ trợ thành lập mới 205 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, nâng tổng số hợp tác xã được cấp Hội hỗ trợ thành lập đến nay là 5.908 tổ hợp tác/hợp tác xã; 6.303 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến nay là 56.968 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với lao động nữ, theo kết quả điều tra Lao động, việc làm năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của nữ giới là 16,13 giờ/tuần, nam giới là 8,75 giờ/tuần. Do đó, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ bằng 1,8 lần so với nam giới. Cùng với đó, kết quả điều tra ghi nhận năm 2023, xảy ra 3.240 vụ bạo lực gia đình với 3.193 nạn nhân (giảm 1.214 vụ và 200 nạn nhân so với năm 2022), trong đó nạn nhân nữ chiếm tới 87,73%, nạn nhân nam chiếm 17,7%. Như vậy, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nữ cũng có chiều hướng giảm.

Vấn đề đáng chú ý nữa được chỉ ra, tỷ số giới tính khi sinh năm 2023 tại Việt Nam là 112 bé trai/100 bé gái. Con số này phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao và các chuyên gia cảnh báo Việt Nam cần phải có các giải pháp tốt hơn để giải quyết tình trạng này. Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam Matt Jackson nêu rõ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra tác động về nhân khẩu học. Đơn cử, đối với nhóm tuổi trưởng thành từ 15-49 tuổi, số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ giới 1,5 triệu người vào năm 2034. Con số này ước tính sẽ tiếp tục tăng lên gần 2,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2059 nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm trong những năm tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để thúc đẩy bình đẳng giới, đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật đang tiếp tục được thực hiện với nhiều hoạt động cụ thể, như tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Bình đẳng giới; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; triển khai các nhiệm vụ bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia./.

Cùng chuyên mục
  • Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Không chỉ giúp bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) còn góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, giúp mang lại giá trị kinh tế cho đất nước thông qua sáng tạo văn hóa.
  • Giá đất và chênh lệch địa tô
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việc định giá đất là một phần quan trọng trong quản lý và sử dụng đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Luật Đất đai mới đã đưa ra ba phương pháp chính để tính giá đất, gồm: Phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chi phí và phương pháp thu nhập. Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với các tình huống cụ thể.
  • Doanh nghiệp gặp khó vì cước vận tải biển tăng cao
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ở nhiều ngành hàng đang chịu sức ép rất lớn do giá cước vận tải biển không ngừng “leo thang”. Điều này đang làm gia tăng khó khăn và buộc DN phải nỗ lực tìm giải pháp vượt khó.
  • Kinh tế số
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế số là một phần của nền kinh tế toàn cầu, nơi các giao dịch và hoạt động kinh doanh chủ yếu được thực hiện thông qua công nghệ số, tạo nên một hệ sinh thái kết nối toàn diện. Trong hệ sinh thái này, dữ liệu trở thành tài nguyên quý giá như dầu mỏ của thế kỷ XXI, và công nghệ thông tin là công cụ sắc bén để khai thác, xử lý và tận dụng tài nguyên đó. Kinh tế số không chỉ mở ra cánh cửa mới cho sự sáng tạo và đổi mới, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại sự thịnh vượng toàn cầu.
  • Yếu tố then chốt trong thực hiện kinh tế tuần hoàn
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH), các quốc gia đã xây dựng các công cụ và chỉ số đo lường việc thực hiện. Đây được coi là yếu tố then chốt để chuyển đổi sang mô hình KTTH, hướng tới sự phát triển bền vững. Và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ