Thúc đẩy hợp tác với Pháp trong lĩnh vực năng lượng sạch

(BKTO) - Trong khuôn khổ chương trình công tác tại châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Hồ Sỹ Hùng và một số doanh nghiệp đã làm việc với ông Đinh Toàn Thắng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hoà Pháp.

2(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: UB

Theo Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng, bảo đảm an ninh năng lượng là mục tiêu xuyên suốt và được Việt Nam xác định trong suốt 35 năm đổi mới vừa qua. Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã khẳng định rõ bảo đảm an ninh năng lượng bền vững quốc gia của Việt Nam cần gắn với yêu cầu bảo đảm an toàn môi trường, nhất là khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về trung hoà carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, bảo đảm an ninh năng lượng bền vững trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 2021-2030 là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam cần có chủ trương và chính sách thực sự đột phá để phát triển trong lĩnh vực năng lượng.

Nghị quyết 55-NQ/TW cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả, triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đồng thời phát triển lộ trình hợp lý các nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch.

Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các Tập đoàn năng lượng do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió hay điện gió ngoài khơi.

Mục đích của chuyến công tác tới châu Âu lần này là tiếp xúc với những đối tác uy tín trong lĩnh vực năng lượng, thảo luận cơ hội hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng, học hỏi công nghệ trong phát triển năng lượng mới, năng lượng xanh - Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Pháp cũng đang diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, công nghệ, nguồn vốn đầu tư và an ninh năng lượng. Pháp là quốc gia có những đặc thù và tư duy riêng trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh phát triển điện hạt nhân, thời gian qua, Pháp cũng đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió và điện gió ngoài khơi.

Pháp đã triển khai nhiều chương trình trao đổi, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Pháp cũng ủng hộ Việt Nam trong quá trình triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng dẫn chứng, trong những năm qua, có nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp trong lĩnh vực năng lượng đã triển khai các chương trình hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, như Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); EDF đã xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 (715MW) - là một trong những dự án điện BOT đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, EDF đang triển khai dự án Nhà máy Điện khí LNG Sơn Mỹ 1 (Bình Thuận). Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đang hợp tác cùng EVN trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng thông qua các khoản vay ưu đãi và tài chính cho các dự án.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng chia sẻ, Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng đặc biệt là sản xuất hydrogen tính theo số lượng sáng chế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trang thiết bị và doanh nghiệp ở mọi quy mô. Hiện nay, Pháp đang triển khai thí điểm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh phục vụ ngành giao thông vận tải, như đường sắt, hàng không hay giao thông công cộng.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, những triển khai thí điểm thực tiễn tại Pháp trong việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh có thể là những gợi mở cho hướng đi tiếp theo của những doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và EVN.

Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp sẽ quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu nói riêng tham gia thị trường Pháp, cũng như kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy hợp tác với Pháp trong lĩnh vực năng lượng sạch