Thúc đẩy kinh tế báo chí

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong sửa Luật Báo chí sắp tới sẽ đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông.

121120240845-z6023601342332_76f386d126bb1818c58aec31f62fade8.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Tiếp tục chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tập trung vào 3 vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng ngân sách cho báo chí qua cơ chế đặt hàng

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng. Vì thế, các doanh nghiệp chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí.

Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện chiếm 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể. Trong khi đó, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (gần 880 cơ quan báo chí).

121120240904-z6023727039893_a1c49eddad57bd89ed5f1fc1cfc91ee8.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VPQH

Trước tình hình đó, trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.

"Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí”- Bộ trưởng nói.

Giải pháp khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.

Báo chí phải dùng công nghệ số để lấy lại “trận địa”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ bị đứng ở phía sau. Báo chí trong hàng trăm năm qua tập trung vào đưa tin thì mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, với hàng chục triệu "phóng viên không mất tiền" và có mặt ở khắp mọi nơi.

Do vậy, báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp; dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả và từ đó quảng cáo sẽ tăng lên.

Sự gắn bó của báo chí nói lên được sự thật và chỉ nói lên được sự thật sẽ cạnh tranh được mạng xã hội; chỉ rõ, định hướng để công chúng tin tưởng vào các cơ quan báo chí.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên)

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo và Hội Nhà báo xác định định hướng chính để khẳng định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng: "Báo chí thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp; cần phải kể ra câu chuyện để dẫn dắt, định hướng xã hội. Trước đây, trong không gian thực, báo chí là lực lượng chủ đạo. Nhưng trong không gian mạng, báo chí về mặt số lượng có thể không là chủ đạo, nhưng những thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng, với chất lượng tin tức và nội dung. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, thúc đẩy tương tác hai chiều, hướng tới đối tượng quảng cáo và coi mạng xã hội là công cụ để báo chí xuất hiện" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy kinh tế báo chí