Thương mại điện tử là giải pháp hữu hiệu
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn, những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển nhanh chóng.
Toàn tỉnh Điện Biên đã có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản TMĐT đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMĐT đạt 50%.
TMĐT giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo chia sẻ của ông Phạm Đức Toàn, những khó khăn nổi lên như: đội ngũ cán bộ chuyên trách về TMĐT còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực thấp, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Phần lớn các website của tỉnh chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng; số lượng các sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào các sàn TMĐT còn hạn chế…
Theo Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, để phát huy lợi thế của TMĐT, khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, Đảng và Chính phủ đã chủ trương thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT.
Để giúp các địa phương vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT, cần phải nâng cao năng lực triển khai Đề án phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 của các địa phương, hướng tới phát triển TMĐT bền vững - bà Lê Hoàng Oanh nêu rõ.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hạ tầng dịch vụ phát triển, giúp các địa phương tiết kiệm nguồn lực, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng lớn.
Hơn nữa, việc thúc đẩy hạ tầng dịch vụ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển TMĐT giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, giữa Tây Bắc và các vùng khác trong cả nước, tạo đà cho sự phát triển chung của nội vùng, liên vùng và của cả nước.
Chia sẻ về những giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - cho biết, hiện có 3 nhóm giải pháp.
Một là, tập trung nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực giám sát thực thi, nâng cao năng lực cán bộ.
Hai là, quy hoạch hạ tầng dịch vụ hỗ trợ TMĐT, trong đó có quy hoạch hạ tầng logistics, phát triển giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt...
Ba là, chuyển đổi số và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, gồm chuyển đổi số đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của vùng, đào tạo nhân lực, tổ chức diễn đàn, hội chợ, triển lãm…
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, việc triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng trong TMĐT, hướng tới phát triển TMĐT bền vững.
Hành động thiết thực hỗ trợ các địa phương
Để kết nối các sàn TMĐT địa phương về một sàn TMĐT duy nhất, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) xây dựng và vận hành Sàn Việt tại địa chỉ sanviet.vn.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc EcomViet, người bán khi tham gia Sàn Việt sẽ được tiếp cận với tệp khách hàng quy mô lớn, đặc biệt còn được miễn phí vận hành, hỗ trợ quảng bá trực tuyến, hỗ trợ kết nối giao thương và tiếp cận các chương trình do Bộ Công Thương phát động.
Đối với người tiêu dùng, ngoài việc mua được hàng với giá tốt, sẽ tiếp cận được nhiều chương trình khuyến mãi, thuận tiện mua sắm các đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền và quan trọng là mua sắm an toàn với chất lượng hàng hoá đảm bảo, vì hàng hóa là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP.
“Sàn Việt là giải pháp mà cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương chung tay với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng hỗ trợ TMĐT, các sàn TMĐT… để đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển TMĐT” - ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ về giải pháp kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của Điện Biên và vùng Tây Bắc trên sàn TMĐT, ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Shopee - cho biết, trong năm 2023, Shopee đã tập trung hỗ trợ nhà bán hàng và người nông dân quảng bá nông sản địa phương như: gạo Séng Cù, xoài sấy, mận hậu sấy, cao xạ đen, mật ong rừng, hà thủ ô…
Về mặt kỹ thuật, Shopee đã tập trung hỗ trợ bằng cách hiển thị trong ứng dụng qua các banner, Flash Sale, giỏ hàng trong livestream và truyền thông rộng rãi về dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và thông qua những người có sức ảnh hưởng.
Để nâng cao hiệu quả của dự án kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của Điện Biên và vùng Tây Bắc trên sàn TMĐT, năm 2024, Shopee tiếp tục phối hợp với các bên hỗ trợ đào tạo TMĐT cho bà con nông dân.
Nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng logistics TMĐT là rất cần thiết, đặc biệt là với các địa phương vùng sâu, vùng xa, ông Trịnh Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh chuyển phát (Tổng công ty Viettel Post) - cho biết, đến nay, Viettel Post đã phục vụ hơn 800 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại khu vực Tây Bắc. Mỗi tháng, Viettel Post vận chuyển hơn 45 nghìn đơn hàng tại các tỉnh Tây Bắc, tương đương hơn 2.000 tấn hàng hóa/tháng.
Để thúc đẩy TMĐT trên địa bàn, Viettel Post sẽ kết hợp với nhiều nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ bà con nông dân đóng gói hàng hóa, lưu kho, vận chuyển hàng hóa đi khắp cả nước và ra quốc tế với chính sách tốt nhất - ông Trịnh Đức Cường chia sẻ.
Viettel Post cũng sẽ xây dựng Trung tâm Logistics lớn khai thác hàng hóa khu vực Tây Bắc gồm hệ thống các kho thông minh điều khiển tự động đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Trịnh Đức Cường - Giám đốc Viettel Post