Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế

(BKTO) – Từ một quốc gia đứng áp chót trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN về khởi nghiệp, đến nay, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển mang tính bền vững, có đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế đòi hỏi cơ quan chức năng, các bên liên quan cần phải có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa.



Đây cũng là những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong thế giới thay đổi” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức chiều 22/10.

Tinh thần khởi nghiệp ngày càng lan tỏa

Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều DN khởi nghiệp đã nỗ lực khẳng định bản thân và đứng vững trên thị trường. Từ đó có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đất nước và hỗ trợ các DN khác cùng phát triển.
                
   

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: neu.edu.vn

   

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong 2 năm gần đây, Việt Nam đã phát triển từ một hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động, đứng áp chót trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ngày càng có sự tham gia của các thành phần quan trọng: các cá nhân, tổ chức KNST, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, trường đại học, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu… Các thành tố trong hệ sinh thái như chính sách, tài chính, văn hoá, thị trường, nhân lực ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế thế giới vài năm gần đây như cuộc cách mạng công nghệ 4.0 gắn với chuyển đổi số ở các nền kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, xu thế biến dịch địa chính trị và đặc biệt tác động của đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển các cấu phần trong hệ sinh thái KNST của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và DN KH&CN, Bộ KH&CN nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ hàng trăm trường hợp KNST trên khắp cả nước thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNST quốc gia đến năm 2025”.

Bên cạnh đó, Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì với các hoạt động hỗ trợ chính là xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo; bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; thiết lập kênh thông tin cung cấp các tài liệu về KNST cho học sinh, sinh viên.

Các hỗ trợ này không chỉ tăng cơ hội phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp mà còn hữu ích trong việc gia tăng sự kiện thu hút các thành phần của hệ sinh thái trong nước và ngoài nước.

Doanh nghiệp, người trẻ cần tận dụng cơ hội, phát huy tinh thần khởi nghiệp

Tại Hội thảo, các đại biểu cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song phải nhìn nhận thực tế là hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước còn một số hạn chế, bất cập, như: thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt (nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm); nguồn nhân lực triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp còn mỏng về số lượng, chỉ mới tiếp cận kiến thức, kỹ năng hỗ trợ khởi nghiệp nên trong công tác triển khai còn hạn chế.
                
   

Cần đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp từ nhà trường. Ảnh: N.LỘC

   

Về phía các startup, một số ý tưởng, dự án khởi nghiệp chưa hoàn thiện, chưa hướng đến nhu cầu thị trường. Không ít startup và DN khởi nghiệp chưa hình thành được tâm thế và văn hóa khởi nghiệp một cách sâu rộng để đủ bản lĩnh vượt khó, tiến lên trong quá trình khởi nghiệp. Ðặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dù đã chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến vẫn bị gián đoạn, nhiều hoạt động phải tạm dừng để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Từ thực tế của TP. Hà Nội, ông Vũ Tấn Cương - Giám đốc Vườn ươm DN Công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội cho rằng, hiện nay còn thiếu startup dựa trên nghiên cứu KH&CN - nền tảng để startup có thể phát triển bền vững. Tại các vườn ươm hoặc trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đa phần chỉ là các DN siêu nhỏ đưa ra sản phẩm trên nền tảng số chứ chưa phải là startup đúng nghĩa dựa trên nền tảng KNST.

Còn theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội Lê Văn Quân, Hà Nội hội tụ rất nhiều cơ hội để phát triển hệ sinh thái KNST, như: không khí khởi nghiệp đang lan tỏa, sự hỗ trợ về cơ chế, nguồn lực tài chính ngày càng thiết thực, thông thoáng... “Điều quan trọng là các DN, các bạn trẻ phải dưỡng ý chí, dám thực hiện ước mơ để chuyển thành hành động thực tế và có đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế” - ông Quân cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hơn nữa vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng đối với hoạt động khởi nghiệp, các Bộ, ngành chức năng cần tăng cường phối hợp với các địa phương để hoàn thiện, thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ KNST. Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ KH&CN và địa phương trong thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia. Các chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nên thông qua hoạt động của các cơ sở hỗ trợ DN khởi nghiệp như các trường đại học, vườn ươm, trung tâm kết nối và chuyển giao tri thức…
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế