Cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc
Trao đổi về cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển năng lượng bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhấn mạnh, từ những nghiên cứu về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thấy rằng, các dự án trong Quy hoạch điện VIII cần được tổ chức đấu thầu, cần có cơ quan lập hồ sơ mời thầu. Cụ thể, hồ sơ đấu thầu cần gồm có: tên, địa điểm dự án, vốn, năng lực, tiến độ, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng vẫn còn nhiều dự án đến nay vẫn chưa làm, hoặc còn dở dang. Do đó, nếu không có cơ chế chính sách đặc biệt, các dự án này còn kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển năng lượng và suy giảm an ninh năng lượng của quốc gia.
Đề cập đến ngành Dầu khí, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, thách thức lớn hiện nay là các mỏ dầu khí đang suy giảm sản lượng nhanh, trong khi công tác khảo sát thăm dò các mỏ dầu khí mới gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, hòa theo xu hướng tất yếu của thế giới, ngành Dầu khí Việt Nam - với doanh nghiệp tiêu biểu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) còn cần thực hiện các công tác chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải để phát triển bền vững.
Chỉ ra tiềm năng lớn của ngành Dầu khí Việt Nam là phát triển hạ tầng điện gió ngoài khơi, mở ra lĩnh vực mới trong phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ những thuận lợi cũng như những thách thức nhằm đảm bảo cung cấp đủ các nguồn năng lượng cho đất nước, tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời thực hiện phát triển bền vững trong dài hạn.
Thách thức với doanh nghiệp năng lượng để hoàn thành các mục tiêu
Trong vai trò Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Thập cho rằng, việc hoàn thành các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nói chung và các doanh nghiệp dầu khí nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn những vướng mắc trong cơ chế chính sách, chưa tạo được môi trường thực sự thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện.
Để góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, TS. Nguyễn Quốc Thập kiến nghị, cần phải có những giải pháp cụ thể, lâu dài. Trong đó, để hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách, cần sửa đổi, bổ sung đồng bộ các luật liên quan như Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng, đặc biệt là điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.
Để đảm bảo cân đối cung cầu, TS. Nguyễn Quốc Thập lưu ý, cần phát triển thị trường điện đồng bộ với quy hoạch năng lượng quốc gia, tập trung vào xây dựng hạ tầng như cảng LNG và các nhà máy điện. Còn về công tác cải thiện quản lý và thực thi, cần cập nhật điều lệ tổ chức và quy chế tài chính cho các tập đoàn Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và thực hiện dự án.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tham vấn và học hỏi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, chú trọng vào phát triển điện khí LNG và điện gió; cần có cách tiếp cận mới về điện khí LNG, coi đây là phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị năng lượng; từ đó đưa ra những kiến nghị trình Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề để hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng, tạo điều kiện thực hiện song song với quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách.
Theo Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Petrovietnam, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Petrovietnam đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025 đạt công suất khoảng 100MW, và đến năm 2035 đạt 900 MW./.