Phiên giải trình đã tập trung làm rõ hơn các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các địa phương; đồng thời đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Tự chủ giúp giảm chi ngân sách, tăng sự hài lòng của người bệnh
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (Nghị quyết 18). Cuối năm 2018, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 18. Phiên giải trình lần này là hoạt động tiếp nối trong khuôn khổ kế hoạch giám sát.
Quang cảnh phiên giải trình- Ảnh: Thu Vũ |
Qua giám sát của Ủy ban cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực hiện: hiện nay, 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức sự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ; người dân có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao; nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ. Các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu- chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy một số vấn đề nổi lên như: văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất.
Mặt khác, do thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần làm bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu…
Đối với 585 bệnh viện tự chủ một phần chi thường xuyên chủ yếu là các bệnh viện, trung tâm y tế huyện; tuy nhiên mức độ tự chủ về tài chính ngày càng cao, phần lớn đã tự chủ được 80-90% chi thường xuyên.
Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình tại Phiên họp- Ảnh: Thu Vũ |
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ là một chủ trương đúng đắn đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố.
Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018; chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải "lót tay" nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn.
Đáng chú ý, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện (năm 2018 so với năm 2015- năm trước khi tính tiền lương vào giá- đã giảm được khoảng 9.450 tỷ đồng, trong đó các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý khoảng 562 tỷ đồng; các bệnh viện thuộc địa phương (báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố) khoảng 8.889 tỷ đồng. Đồng thời, giảm số người hưởng lương từ NSNN. Chỉ tính 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ Y tế đã giảm được 30.826 người, số tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.
Hầu hết các đơn vị đã có các giải pháp để quản lý chặt chẽ nguồn thu; khuyến khích sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các Quỹ; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư…
Cần đẩy mạnh tự chủ về tổ chức, bộ máy
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận rõ những khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ.
Đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh viện có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.
Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định.
Trong thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), việc giám định các chi phí kết cấu trong giá, không thanh toán các chi phí chưa sử dụng hết định mức nhưng không bổ sung các chi phí chưa tính hoặc tính chưa đủ trong định mức và giá dịch vụ khám chữa bệnh là chưa phù hợp. Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt Quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Thảo luận tại Phiên giải trình, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai tự chủ tại các bệnh viện công lập.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu thực tế, hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, tỉnh, thành, các bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi thì chưa được tính đúng, tính đủ, nhưng nơi thì thu thêm.
“Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, hoặc giao tự chủ nhưng không được tự quyết, đặc biệt trong công tác tài chính, tổ chức cán bộ. Ai có trách nhiệm tháo gỡ và khi nào những vướng mắc này được giải quyết”- đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp- Ảnh: Thu Vũ |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ lo ngại về 4 bệnh viện đặc biệt được giao quyền tự chủ toàn bộ đang có xu hướng tư nhân hóa và đề nghị Bộ trưởng Y tế đưa ra giải pháp ngăn chặn hiện tượng này.
Dẫn báo cáo của KTNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu: Theo KTNN, tại hầu hết các bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số địa phương được kiểm toán đều không đáp ứng được định mức biên chế tối thiểu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 (TTLT 08) về cả 02 tiêu chí là tỷ lệ biên chế/giường bệnh và tỷ lệ bác sỹ/điều dưỡng. Nếu để đảm bảo 02 chỉ tiêu này theo quy định tại TTLT 08 thì Bệnh viện phải tuyển dụng thêm nhân sự khối phục vụ là cán bộ điều dưỡng. Đây cũng là bất cập khi thực hiện cơ chế tự chủ với mục tiêu là ổn định mức thu và tiết kiệm chi. Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ cần có giải pháp cho vấn đề này.
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng “đụng” đến biên chế nên rất khó vì thẩm quyền này không thuộc Bộ Y tế mà của Bộ Nội vụ. Vì thế, tự chủ trong vấn đề nhân lực cần được đẩy mạnh hơn.
Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, Bộ Nội vụ ủng hộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tế trong tuyển dụng cán bộ y tế. Nguyên tắc là các bệnh viện phải tự xác định được vị trí việc làm, mỗi vị trí có bao nhiêu người, trình độ năng lực ở từng vị trí ra sao… Bộ Nội vụ đã phân cấp đến UBND cấp tỉnh phê duyệt. Khi đã có mô tả vị trí việc làm sẽ ra bộ máy, biên chế, các đơn vị tự xây dựng kế hoạch để tuyển dụng và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Sau khi xây dựng vị trí việc làm, được các cấp phê duyệt, bệnh viện có lộ trình thực hiện đề án và không có gì cản trở.
Ngăn chặn tình trạng lạm thu
Giải trình câu hỏi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để "móc túi" bệnh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện phải có nguồn thu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, thu hút bệnh nhân, cải thiện chất lượng dịch vụ.
"Vì mục đích tăng thu nên xảy ra hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc... Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đồng thời Bộ đã ban hành Chỉ thị về chống trục lợi, lạm dụng để ngăn chặn tình trạng này"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng đề cập đến những vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, theo báo cáo của KTNN, việc thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) còn chậm, chưa kịp thời, số tiền cơ quan BHXH chưa thanh toán cho các bệnh viện còn lớn và có xu hướng tăng dần qua các năm, dẫn đến việc các bệnh viện còn nợ nhà cung ứng thuốc, vật tư hóa chất, làm ảnh hưởng đến quá trình khám, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh viện còn xảy ra tình trạng áp sai giá một số dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư; chỉ định dịch vụ kỹ thuật không phù hợp, lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám, chữa bệnh nhiều lần tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, thanh toán chi phí không đúng quy định... nên BHXH từ chối thanh toán.
Các đại biểu đề nghị, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần sớm có phương án giải quyết kịp thời vướng mắc này. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện chức năng thanh tra nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người bệnh.
Đ. KHOA