Tiền gửi tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng

(BKTO) - Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế tiếp tục tăng mạnh và đến cuối tháng 8/2024 ở mức kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

tien-gui.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, tính đến hết tháng 8/2024, lượng tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự cải thiện, hết tháng 8/2024 đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng (tháng 7 đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng). Nếu so với cuối năm 2023, tiền gửi các tổ chức kinh tế chỉ giảm nhẹ 0,05%. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II/2024 trở lại đây (chỉ từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, các tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng gần 70 nghìn tỷ đồng).

Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 ở mức kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Lý giải việc tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng ở thời điểm hiện tại, tiền gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn so với các kênh đầu tư khác.

Tính từ đầu tháng 11 trở lại đây, đã có 6 nhà băng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank). Còn so với đầu năm 2024, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,5% đến 1%/năm, qua đó tăng sức hấp dẫn hơn đối với kênh tiết kiệm.

Đối với vàng, giá cả biến động quá lớn, khó lường. Người dân cũng đang rất dè chừng sau khi giá vàng giảm sốc gần chục triệu đồng/lượng chỉ sau vài ngày. Bất động sản tuy đã khởi sắc hơn, song thanh khoản vẫn rất thấp. Bên cạnh đó, kênh đầu tư này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn nên cũng không phù hợp với đa số người dân.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán, điểm số trồi sụt khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Trái phiếu doanh nghiệp tuy có sự cải thiện nhưng niềm tin của người dân vào kênh đầu tư này vẫn thấp nên còn ảm đạm.

Theo các chuyên gia, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng sẽ là cơ hội cho các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và thuận lợi trong thực hiện các chính sách tiền tệ./.

Cùng chuyên mục
Tiền gửi tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng