'Tiếng chiêng' CEPA và cuộc đua marathon trên bán đảo Ả Rập

Ghi chép của Nguyên Minh, từ Saudi Abaria | 31/10/2024 15:30

(BKTO) - Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE mang tên CEPA được ký kết chỉ ít ngày, "tiếng chiêng" hợp tác đã lan toả, tạo ra những cuộc đua marathon để ký kết các hiệp định tương tự giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn xứ dầu lửa.

'Tiếng chiêng' CEPA và cuộc đua marathon trên bán đảo Ả Rập- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho hai Bộ trưởng thực hiện cuộc đua marathon để sớm ký kết FTA mới

Một hiệp định kỷ lục

Bán đảo Ả Rập những ngày giữa thu dịu mát đã chứng kiến những một kỷ lục hiếm có trong thời buổi cạnh tranh và hợp tác trên toàn cầu đan xen nhiều phức tạp. Đó là lần đầu tiên Việt Nam và UAE - một quốc gia công nghiệp phát triển ký kết một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chỉ sau hơn một năm khởi động.

Kỷ lục về thời gian nhanh hiếm có bởi hai bên đều nhìn thấy các lợi ích thiết thực và thời gian là lực lượng, càng sớm càng có lợi. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh CEPA là một trong hai dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Còn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngay từ những ngày đầu năm 2022, khi nghe cấp kỹ thuật báo cáo ý tưởng, ông đã nhìn nhận đây là một đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực Trung Đông.

Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động, có quy mô kinh tế lớn nhưng lại chưa được doanh nghiệp Việt Nam để ý trong giai đoạn trước đây. Nhờ đó, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên và đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta đuổi kịp, thậm chí là vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.

Bên cạnh đó, UAE là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực. Do vậy, thông qua UAE, các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực như Saudi Arabia, Qatar và Kuwait cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á.

'Tiếng chiêng' CEPA và cuộc đua marathon trên bán đảo Ả Rập- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum chứng kiến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE.

Ghi nhận từ quốc gia 'biến những điều không thể thành có thể'

Ký kết CEPA, Việt Nam không chỉ nhận về lợi ích kinh tế mà có lẽ còn tìm thấy nhiều bài học lớn cho định hướng phát triển. UAE hơn 50 năm trước từng chỉ là làng chài đánh cá nghèo nàn song đã vươn mình lên những đỉnh cao lớn nhất, biến những điều không thể thành có thể như lên sao Hỏa hay nhiều năm liền là quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới.

Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE, có câu nói nổi tiếng: "Từ không thể không tồn tại trong từ điển của chúng tôi. Nó không phải là một phần trong tầm nhìn của chúng tôi và sẽ không bao giờ là một phần trong tương lai của chúng tôi".

Ở đỉnh cao của giàu có, ở rốn dầu mỏ thế giới nhưng UAE không ngủ quên hay dựa dẫm thụ động vào tài nguyên. Phát triển kinh tế hướng tới phi dầu mỏ, thay vàng đen bằng tìm vàng trong du lịch, đầu tư, logictics chính là tầm nhìn cho tương lai và CEPA nằm trong chiến lược lớn đó.

UAE hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu và hình mẫu phát triển thành công của thế giới.

Buổi chiều ngay sau khi CEPA được ký kết, WAM, hãng truyền thông Nhà nước UAE đã có bài ghi nhận nêu rõ sự vui mừng, kỳ vọng của hầu hết các thành viên Chính phủ nước bạn đối với sự kiện này.

Bộ trưởng Tài chính UAE, ông Mohamed Hadi Al Hussaini khẳng định: "Việc ký kết CEPA giữa UAE và Việt Nam sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế UAE, đồng thời củng cố vị thế của đất nước chúng tôi như một trung tâm thương mại và đầu tư toàn cầu".

Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE, ông Suhail bin Mohammed Faraj Al Mazrouei nhìn nhận CEPA mở ra những chân trời hợp tác mới trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng - những lĩnh vực trọng yếu cho sự phát triển bền vững lâu dài của cả hai quốc gia. Ông dẫn chứng con số: Năm 2023, Việt Nam sản xuất 69% tổng năng lượng mặt trời và gió của ASEAN, khẳng định vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực.

Bộ trưởng Kinh tế, ông Abdulla Bin Touq Al Marri, chia sẻ rằng "CEPA với Việt Nam - đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á - giúp thắt chặt mối quan hệ giữa hai nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như an ninh lương thực, sản xuất, và logistics".

Đặc biệt nhất phải kể đến Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Ngoại thương, TS Dr. Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, người từng nhiều lần nhiệt tình kết nối, trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có hẳn bài viết riêng trên WAM về CEPA. Để CEPA được ký kết "thần tốc" như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông trong giai đoạn nước rút đã trao đổi qua Viber, báo cáo cấp có thẩm quyền tìm con đường nhanh nhất có thể.

Gặp lại tiến sĩ Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt cảm ơn ông đã tích cực đi lại "con thoi" nhiều lần giữa hai nước trong thời gian ngắn để góp phần cùng Việt Nam hoàn tất Hiệp định CEPA. Chia sẻ với truyền thông về tầm quan trọng của CEPA, Tiến sĩ nhấn mạnh: "Hiệp định này là một phần trong chiến lược thương mại quốc tế của UAE, hướng tới mục tiêu tăng trưởng thương mại phi dầu mỏ lên 4 nghìn tỷ AED và xuất khẩu phi dầu mỏ trên 800 tỷ AED vào năm 2031".

Hiệp định ký kết lúc tối muộn giờ Việt Nam nhưng các cơ quan truyền thông trong nước đã kịp thời đồng loạt đưa tin và đăng bài trả lời phỏng vấn báo chí của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích rõ hơn về hiệp định lịch sử này. Bộ trưởng đánh giá việc ký kết CEPA như mở một con đường lớn để hàng hoá Việt Nam tiến sâu, tiến xa vào thị trường Trung Đông - Châu Phi.

Tiếng lành đồn xa trong thế giới Ả rập

Đúng như dự báo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, CEPA khi vừa ký kết đã gây tiếng vang lớn trong dư luận quốc tế, nhất là đối với các nền kinh tế ở Trung Đông - Bắc Phi.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới Saudi Arabia dự Diễn đàn sáng kiến đầu tư tương lai, lãnh đạo nhiều nước đều chúc mừng sự kiện CEPA và mong sớm ký kết với Việt Nam một hiệp định tương tự.

Đầu tiên phải kể đến nước chủ nhà diễn đàn, Saudi Arabia - quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất bán đảo Arab (chiếm 80% diện tích bán đảo), vương quốc dầu mỏ dẫn đầu các nước trong bán đảo Arab mà còn cả khu vực Trung Đông.

Sáng 30/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Bandar Alkhorayef, câu chuyện được quan tâm nhất cũng chính là một hiệp định tương tự CEPA. Nước bạn rất mong việc này sớm khởi động ngay.

"Bộ trưởng Bandar Alkhorayef với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chạy đua xem ai chạy nhanh hơn. Tôi và Hoàng Thái tử sẽ làm trọng tài và là khán giả chứng kiến cuộc đua này"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng hy vọng Bộ trưởng Bandar Alkhorayef hợp tác tốt với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên để kết nối hai nền kinh tế chặt chẽ hơn, thúc đẩy thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới; thúc đẩy đầu tư 2 nước nhiều hơn, hiệu quả hơn nữa.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại về cuộc gặp Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia, ỏ đó, hai bên đã thống nhất chú trọng phát huy "thời gian và trí tuệ", thống nhất nâng tầm quan hệ hai nước, nâng cấp các cơ chế hợp tác trong thời gian tới và việc chuẩn bị để đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do như vừa ký với UAE là một công việc rất quan trọng.

Bộ trưởng Bandar Alkhorayef vui vẻ xúc động nói, những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền cảm hứng cho ông và chắc chắn ông cũng xác định năm nay sẽ "chạy marathon" như Thủ tướng gợi mở. 

"Hãy cố gắng chạy marathon trong 6 tháng thôi, như chúng tôi đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do với UAE. Chúng tôi sẽ là trọng tài, là khán giả vỗ tay cổ vũ hai Bộ trưởng chạy đua" - Thủ tướng tái khẳng định và nói ông tin Bộ trưởng Bandar Alkhorayef sẽ thực sự trở thành "vận động viên marathon" trong năm 2025", Thủ tướng nhắn nhủ và có lẽ cũng đang đặt ra một kỷ lục thời gian mới, nhanh hơn cả CEPA!

Tiếp theo phải kể đến Ai Cập, một cường quốc trong khu vực có ảnh hưởng đáng kể về văn hoá, chính trị và quân sự tại Bắc Phi, Trung Đông và thế giới Hồi giáo. 

Kinh tế Ai Cập nằm vào hàng lớn nhất và đa dạng nhất tại Trung Đông, dự kiến sẽ nằm trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI, xếp thứ 7 thế giới vào năm 2030. Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Diễn đàn đầu tư tương lai, Thủ tướng Ai Cập bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng nêu mong muốn đàm phán các hiệp định, thỏa thuận tạo khung pháp lý cho quan hệ thương mại hai nước.

"Tiếng chiêng" CEPA đã và đang vang xa trong thế giới Ả Rập. Hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngày càng rõ nét khi tạo nên sức hấp dẫn và quyền lực mềm kinh tế kiểu "hữu xạ tự nhiên hương". CEPA đã ghi dấu ấn là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thứ 17 của Việt Nam được ký kết trong hành trình 40 năm đổi mới và hơn thế đang tạo ra cuộc đua marathon cho các FTA mới, tạo cho không gian phát triển của các quốc gia có sự thay đổi về chất, các cơ hội phát triển được mở ra không chỉ về chiều rộng, mà còn cả về chiều sâu.

Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ đến những ngày lịch sử gần 100 năm trước, cuối năm 1945, khi phóng viên các báo phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề ngoại giao, Người đã trả lời bằng hình ảnh bất hủ: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn".

Tiếng chiêng CEPA vang xa trong thế giới Ả rập và mở ra những vận hội mới không phải ngẫu nhiên mà là kết tinh sức mạnh tổng hợp thế và lực của đất nước, của sự nghiệp đổi mới hội nhập kinh tế quốc tế. Đó cũng là kết quả những bước chân thầm lặng không ngừng mở lối hợp tác kinh tế quốc tế của một Việt Nam không ngừng đổi mới, kiến tạo tương lai…

 

Cùng chuyên mục
  • Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Pakistan đạt mốc 10 tỷ USD
    2 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cần coi trọng và tận dụng tối đa thời gian, coi trọng trí tuệ, phát huy tư duy, tầm nhìn mới của lãnh đạo hai bên, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đề xuất hai bên cần đặt mục tiêu tham vọng đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Pakistan đạt mốc 10 tỷ USD thời gian tới.
  • UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
    3 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ cao UAE mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là hợp tác phát triển năng lượng bao gồm các dự án lọc dầu, khí hoá lỏng LNG, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện năng lượng mặt trời; đồng thời mong muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho cả khu vực.
  • 6 ưu tiên lớn để hiện thực hóa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - UAE
    3 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) là sự khẳng định mạnh mẽ rằng, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khu vực Trung Đông và đất nước UAE có vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Để hiện thực hóa quan hệ Đối tác Toàn diện vừa được thiết lập, Thủ tướng đề nghị Việt Nam và UAE tăng cường hợp tác 6 ưu tiên lớn.
  • Việt Nam - Saudi Arabia nâng kim ngạch thương mại song phương lên trên 10 tỷ USD vào năm 2030
    3 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman Bin Abdulaziz Al Saud nhất trí đưa hợp tác kinh tế thành trụ cột chính trong quan hệ song phương, đưa Saudi Arabia trở thành một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và hướng đến việc nâng kim ngạch thương mại song phương lên trên 10 tỷ USD vào năm 2030.
  • Việt Nam - Ai Cập nhất trí thúc đẩy đàm phán các hiệp định tạo khung pháp lý quan hệ thương mại hai nước
    3 ngày trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhất trí thúc đẩy nghiên cứu, xem xét đàm phán các hiệp định, thỏa thuận tạo khung pháp lý cho quan hệ thương mại hai nước.
'Tiếng chiêng' CEPA và cuộc đua marathon trên bán đảo Ả Rập