Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để hỗ trợ phát triển bền vững

(BKTO) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

11-dat-nong-nghiep.jpg
Miễn thuế là một trong những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ người dân, giúp họ giảm gánh nặng về tài chính đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ảnh: ST

Giai đoạn 2021-2023, miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Phương án thứ nhất, kéo dài việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030 và phương án thứ hai từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2035. Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ nhất và lý giải, sở dĩ chọn mốc 5 năm thay vì 10 năm là do Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Hơn nữa, do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã chậm lại đáng kể. Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021-2025 của Quốc hội, việc nước ta phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Hiện cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 96% doanh nghiệp (thuộc lĩnh vực nông nghiệp) nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp còn khá ít, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất nông nghiệp, yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế... Trong giai đoạn đầu (giai đoạn 2001-2010) thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng từ 1 con số lên 2 con số. Cụ thể: Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD thì đến năm 2010 đạt 19,15 tỷ USD (tăng gần 5 lần so với năm 2001). Giai đoạn tiếp theo (2011-2018) thực hiện mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và tiến tới miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, đưa Việt Nam lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD. Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, 2020 vẫn đạt con số ấn tượng 41,2 tỷ USD. Giai đoạn 2021-2023, việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã giúp kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 48,7 tỷ USD (năm 2021) lên 53,22 tỷ USD (năm 2022, 2023).

Tiếp tục miễn thuế để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản

Trước những kết quả nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc tiếp tục miễn loại thuế này trong 5 năm 2026-2030 sẽ góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. Ngoài ra, việc miễn thuế trong 5 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chính sách thuế đối với đất nông nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người nông dân.

Đồng thời, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2026-2030 là cần thiết, nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng, góp phần động viên người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tiếp tục kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết bởi hiện nay, sản xuất nông nghiệp của nước ta còn manh mún, chưa được cơ giới hóa, thu nhập của nông dân vẫn rất thấp. Tuy nhiên, chi phí sản xuất nông nghiệp như phân bón, giống cây trồng... đang tăng cao. Trong bối cảnh đó, miễn thuế là một trong những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ người dân, giúp họ giảm gánh nặng về tài chính đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ đó cải thiện đời sống cũng như cải thiện thu nhập. Đồng thời, Chính phủ cũng nên cân nhắc miễn toàn bộ thuế đối với đất nông nghiệp cho đến khi nông nghiệp ở Việt Nam hoàn toàn hiện đại hóa, cơ giới hóa./.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để hỗ trợ phát triển bền vững