Kiểm soát đặc biệt 2 ngân hàng, giám sát tăng cường 1 ngân hàng
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, NHNN cho biết: Triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 689/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 689), NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ: Đẩy mạnh xử lý nợ xấu và các hạn chế trong hoạt động; triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi; hướng dẫn TCTD xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án 689.
Hiện nay, các TCTD tiếp tục thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa phương án cơ cấu lại sau khi có ý kiến của NHNN.
Đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, năm 2023, NHNN triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết phê duyệt Phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng là Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) và Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên (OceanBank).
Đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại, NHNN đang rà soát và thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt Phương án chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn; giám sát tăng cường theo quy định đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân.
Với các TCTD phi ngân hàng: Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 689, đồng thời chỉ đạo TCTD thực hiện đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, khó khăn, vướng mắc, đề xuất lộ trình, giải pháp xử lý, xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đối với các TCTD phi ngân hàng yếu kém, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát để tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án xử lý.
NHNN cũng tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát đối với TCTD nước ngoài để bảo đảm các TCTD nước ngoài hoạt động an toàn, đúng quy định của pháp luật; khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam; hỗ trợ TCTD trong nước tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ.
TCTD nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, rủi ro cao hoặc chưa đáp ứng chuẩn mực an toàn được NHNN cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu.
Cùng với đó, NHNN cũng đã có hướng dẫn và chỉ đạo hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại.
Đến này 30/6/2024, số lượng Quỹ tín dụng nhân dân phải xây dựng Phương án cơ cấu lại là 1.147/1.178 Quỹ. Trong đó, 1.143 Quỹ đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại, 4 Quỹ chưa được phê duyệt (do 2 Quỹ tín dụng nhân dân vừa chấm dứt kiểm soát đặc biệt đang thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại và 2 Quỹ đang triển khai phương án xử lý pháp nhân theo hướng giải thể tự nguyện).
Xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn còn những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, theo NHNN, việc tìm kiếm đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng này.
Các ngân hàng thương mại cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Dong A Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Công tác phối hợp tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý ngân hàng yếu kém phức tạp chưa có tiền lệ.
Năng lực một số cán bộ công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém.
Cụ thể, cơ quan này sẽ triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
NHNN chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện; tập trung xây dựng phê duyệt triển khai các đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, TCTD yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới./.