Tiếp tục rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

(BKTO) - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng Dự thảo Luật.

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

231120230231-chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-vu-hong-thanh-1-.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung trong Dự thảo Luật đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của TCTD, gia tăng sức chống chịu của các TCTD trước những cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của TCTD, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định. Theo đó, chất lượng của Dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.

 Tiếp thu ý kiến của Kiểm toán nhà nước, Dự thảo Luật đã bỏ quy định liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước tại khoản 1 Điều 168, để phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, nhìn chung, Dự thảo Luật cơ bản bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, các nội dung tại Dự thảo Luật liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống như đã nêu tại Nghị quyết số 31/2021/QH15.

Về cơ sở thực tiễn cũng chưa làm rõ được các bất cập trong quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt theo quy định của Luật hiện hành, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của các bất cập nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tổng thể, tối ưu đối với các nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là Dự án Luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các TCTD, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các TCTD (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của Dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua Dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng Dự thảo Luật - ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Theo đó, sau Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể đối với các nội dung quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, như: nội dung về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt TCTD; tiếp tục đánh giá, hoàn thiện các nội dung khác, trong đó có quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát TCTD; xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… 

Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động đối với nội dung thay đổi về chính sách được yêu cầu, nhất là các quy định liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt (việc thực hiện quy định của Dự thảo Luật sẽ dẫn đến bao nhiêu TCTD đặt vào can thiệp sớm, bao nhiêu TCTD đặt vào kiểm soát đặc biệt, tác động như thế nào), bảo đảm khi Luật thông qua có tính khả thi.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)