Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại Họp báo. Ảnh: chinhphu.vn |
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vaccine trên tổng số khoảng 18 triệu liều vaccine đã cấp, chiếm khoảng 65%.
Hiện tại, TP. HCM được cấp 4.075.270 liều vaccine. Thành phố đã tiêm được 3.598.687 liều, chiếm 88,2%. Trong ngày 11 và 12/8, Thành phố tiêm hết số vaccine được cấp, đồng thời dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác như Sinopharm.
Đối với TP. Hà Nội, hiện Thành phố được cấp 2.944.910 liều, đã tiêm được khoảng 1.500.000 liều, chiếm khoảng trên 50%. Thời gian tới, TP. Hà Nội cũng tăng tốc tiêm vaccine.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho Hà Nội, TP. HCM cũng như các địa phương khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với lượng vaccine dự kiến phân bổ theo từng tháng để các tỉnh, thành phố chủ động hơn trong công tác triển khai tiêm chủng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có Công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vaccine, không để tồn vaccine, nếu không sẽ điều chuyển cho các tỉnh khác. Tốc độ tiêm tại các tỉnh, thành phố nhanh hơn.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, bảo đảm tiêm mũi nào an toàn mũi ấy. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là các dụng cụ, thuốc men cũng như xe lưu động, các cơ sở, đặc biệt là hồi sức, cấp cứu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. “Tới đây, khi lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng tốc công tác tiêm chủng, ngành y tế phối hợp với lực lượng quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong một ngày” - Bộ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của nhà báo về việc có hay không tình trạng quá tải trong điều trị F0 tại các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại TP. HCM và một số tỉnh thành phía Nam, ngay từ rất sớm, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động bàn với các địa phương chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để có thể chủ động nhất khi tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
Tích cực phối hợp, phân tầng đúng trong điều trị để tránh quá tải
Tuy nhiên, nhìn chung hiện tại có tình trạng quá tải ở TP. HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam do lượng bệnh nhân ở tầng 3 khu vực hồi sức tích cực. Bộ đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố cần thiết phải chuyển đúng và phân tầng đúng. Có một số trường hợp do quá lo, chưa đến mức phải lên tầng 3 thì đã lên tầng 3, gây quá tải mà chúng ta có thể hoàn toàn điều trị ở tuyến đơn giản hơn, như ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tương đương tuyến huyện, xã.
“Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo TP. HCM và các tỉnh, thành phố khác trong công tác điều trị phải tuyệt đối phân tầng đúng, nhẹ vào tầng nhẹ, trung bình vào tầng 2 và nặng ở tầng 3, nhưng cũng phải chú ý nếu muộn quá sẽ gây nguy cơ tử vong cao. Như vậy, phân tầng đúng, chuyển đúng là hết sức quan trọng” - Thứ trưởng Thuấn nói.
Vừa qua, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã kết hợp với địa phương lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu. Tại TP. HCM, 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ kết hợp với Thành phố, bao gồm cả bệnh viện dã chiến, hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tương tự như vậy, Bộ đã phân công Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Bệnh viện K để có trung tâm hồi sức với quy mô 400 giường ở Đồng Nai. Ở Bình Dương, giao cho BV Đại học Y Hà Nội, Vĩnh Long giao cho Bệnh viện Nhi… Mỗi tỉnh, Bộ đều cử các nhóm công tác, bao gồm các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức để hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch
Bộ cũng chuyển 10.000 liều thuốc Remdesivir nhập từ Ấn Độ kịp thời cung cấp cho công tác điều trị tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Ngành y tế cũng huy động trên 11.000 cán bộ, sinh viên để hỗ trợ cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch.
“Tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của Bộ Y tế… dịch có thể ổn định và được dập trong thời gian tới” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tin tưởng./.
HỒNG NHUNG