Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật

(BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1156/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Đến 2025, tổng quy mô của hai trường đạt khoảng 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh

Các mục tiêu cụ thể phát triển hai trường được xác định toàn diện trên các lĩnh vực và phân kỳ thành hai giai đoạn: 2022-2025 và 2026-2030.

Theo đó, về đào tạo, đến năm 2025, tổng quy mô của hai trường đạt khoảng 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Tăng quy mô đào tạo văn bằng hai, thạc sĩ, tiến sĩ 10%/năm; hai trường có một số chuyên ngành trọng điểm mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và quốc tế; tỷ lệ sinh viên/giảng viên không quá 25 sinh viên/01 giảng viên.

Đến năm 2030, tăng quy mô đào tạo của hai trường đạt khoảng 49.000, chú trọng tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tỷ lệ sinh viên/giảng viên không quá 20 sinh viên/01 giảng viên; quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% quy mô tuyển sinh trong năm.

Công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới

Về nghiên cứu khoa học, đến năm 2025, phấn đấu có 100% giáo sư, phó giáo sư và 85% tiến sĩ của hai trường chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề tài, đề án khoa học và công nghệ các cấp; công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới; bình quân mỗi năm trong giai đoạn thực hiện 10-20 đề tài cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh, ít nhất 01-02 nghiên cứu hợp tác với các đối tác quốc tế, tổ chức 09 hội thảo quốc gia, quốc tế, xuất bản khoảng 20 sách chuyên khảo.

Đến năm 2030, bình quân mỗi năm công bố ít nhất 200 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu mỗi năm công bố từ 0,3 bài báo quốc tế trở lên, có 12-25 đề tài khoa học cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh, 10 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài; có ít nhất 13 hội thảo quốc gia, quốc tế và 30 đầu sách mới/năm; số hóa tất cả các bài báo được công bố trên Tạp chí Luật học và Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam…

Đến 2025, tăng số lượng vụ việc tư vấn 15%/năm, trong đó 20-30% là miễn phí

Về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng, đến năm 2025, tăng số lượng vụ việc tư vấn 15%/năm, trong đó, có 20-30% là miễn phí; số vụ, việc tư vấn cho khách hàng ở các lĩnh vực pháp luật đạt ít nhất là 500 vụ, việc/năm; số lượt giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đạt 500 lượt/năm; tổ chức mỗi năm ít nhất 30-40 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.

Đến năm 2030, số vụ, việc tư vấn đạt khoảng 600-700/năm, trong đó số vụ, việc miễn phí đạt khoảng 30-40%; tổ chức mỗi năm 40-60 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.

Đến 2030, 40-45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25-30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Về nhân lực và tổ chức bộ máy, đến năm 2025, Trường Đại học Luật Hà Nội có đội ngũ giảng viên cơ hữu khoảng 450 người, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 350 người, trong đó, tối thiểu 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20 - 30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 30% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; ít nhất 70% lãnh đạo cấp phòng, 50% viên chức có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ; đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông đảo, có chất lượng; tăng cường trao đổi giảng viên giữa các cơ sở đào tạo luật.

Đến năm 2030, mỗi trường có khoảng 600 giảng viên, trong đó 40-45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25-30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhiệm ít nhất 20% khối lượng giảng dạy; tăng cường trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo luật ngoài nước; 90% lãnh đạo cấp phòng, 70% viên chức có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ; 100% viên chức có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong công việc…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật