Tìm kiếm giải pháp nhằm huy động, khơi thông và phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển văn hoá

(BKTO) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người.

171220220825-1.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: VPQH

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn khiêm tốn, chưa xứng tầm

Phát biểu đề dẫn, gợi ý nội dung thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Hội thảo quốc gia về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” của Quốc hội năm 2022 là sự kiện chính trị - văn hoá - khoa học rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hoá, thực tiễn hoá và thể chế hoá việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.

Đây cũng là dịp để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hoá và lĩnh vực khác thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nền văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

GS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hoá Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm. Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

Tạo đột phá thật sự tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc thu hút nguồn lực cho phát triển văn hoá

Theo GS. Nguyễn Xuân Thắng, Hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua.

171220220926-nn.nt.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VPQH

Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hoá trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch, nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch, nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, của các vùng, các địa phương trong cả nước.

"Yêu cầu đó đòi hỏi các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hoá Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước". Nhấn mạnh điều này, GS. Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ các mối quan hệ đó là: cần phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế; kết nối giữa truyền thống và hiện đại; phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.

Từ thực tiễn phát triển của nền văn hoá Việt Nam, tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 5 nhóm vấn đề.

Một là, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hoá.

Hai là, đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.

Ba là, chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá.

Bốn là, chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển.

Theo GS. Nguyễn Xuân Thắng, đầu tư vào lĩnh vực văn hoá cũng chính là đầu tư phát triển; cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hoá, trong đó: ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số cùng với hạ tầng văn hoá - xã hội; phát triển các không gian văn hoá, thiết chế văn hoá, hạ tầng cho phát triển các sản phẩm văn hoá… để đồng thời với phát triển văn hoá, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, các di sản văn hóa và khai phá tiềm năng du lịch văn hoá của các địa phương.

Năm là, xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Theo đó, phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người hiện nay, nhất là về: phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực phát triển văn hóa; cơ chế hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển văn hóa, quy hoạch phát triển của các địa phương giàu tiềm năng văn hóa,… để lĩnh vực văn hoá, con người có được những bước đột phá, phát triển thật sự.

GS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần dựa cả vào nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực của xã hội, trong đó, nguồn lực đầu tư từ Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ thị trường là quan trọng để thúc đẩy văn hóa phát triển.

Đối với các nguồn lực của Nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư cho phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này. Các địa phương cần phân bổ nguồn lực hợp lý cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa; đặc biệt chú ý đến công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển văn hoá, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, sinh hoạt văn hoá cộng đồng…

Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích liên kết, hợp tác để tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa; phân định rõ những lĩnh vực văn hóa cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và những lĩnh vực có thể xã hội hoá, nhất là các lĩnh vực có thể huy động nguồn lực đầu tư trên thị trường, nguồn lực trong nhân dân hoặc các lĩnh vực có thể thực hiện theo mô hình hợp tác công - tư./.

Cùng chuyên mục
Tìm kiếm giải pháp nhằm huy động, khơi thông và phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển văn hoá