Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, giai đoạn 2014-2024, Hòa Bình đã tập trung triển khai thực hiện công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội (CSXH) một cách đồng bộ, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tính đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đạt 5.060 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng (170,8%) so với năm 2014. Tổng dư nợ tín dụng chính sách 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp quản lý là 5.027,6 tỷ đồng, tăng 3.196 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 99,6% tổng dư nợ ngân hàng CSXH.
Trong đó, Hội liên hiệp Phụ nữ quản lý 1.359,2 tỷ đồng, chiếm 27%; Hội Nông dân quản lý 1.258,1 tỷ đồng, chiếm 25%; Hội Cựu Chiến binh quản lý 1.205,8 tỷ đồng, chiếm 24%; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý 1.204,5 tỷ đồng, chiếm 24%.
Hoạt động giao dịch xã vào một ngày cố định hàng tháng và công khai các chủ trương chính sách tín dụng, danh sách hộ vay tại 151 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn dễ dàng nắm bắt chủ trương chính sách tín dụng, nhanh chóng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Công tác trả nợ, nhận tiền vay hoặc giải quyết, xử lý các công việc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách ngay tại trụ sở UBND cấp xã, giúp người vay tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại do không phải đến giao dịch trực tiếp tại trụ sở ngân hàng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương, nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng CSXH tại cơ sở, hạn chế thất thoát, xâm tiêu, tham ô lợi dụng tiền vốn, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Chính phủ và hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Hiện nay, Hòa Bình đang quản lý, thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách. Trong 10 năm qua đã giải ngân trên 13.922 tỷ đồng với hơn 679,2 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; thu nợ trên 9.008 tỷ đồng.
Đến 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.050,3 tỷ đồng; tăng 3.187,1 tỷ đồng (tăng 1,7 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách bình quân hằng năm đạt khoảng 17%; hơn 102.251 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, chiếm 46,4% số hộ dân trên địa bàn và chiếm thị phần 12,6% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Trong 10 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 125,4 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 65,3 ngàn lao động, giúp 1,6 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ trên 31,9 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn để chi phí học tập; mua hơn 01 ngàn máy tính, thiết bị học trực tuyến...
Đầu tư xây dựng trên 223,7 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và trên 21,4 ngàn căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ vốn mua/thuê mua 572 căn nhà ở xã hội, 26 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1.500 lượt người lao động…
Kết quả đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.