Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện
Theo số liệu mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến ngày 18/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.801.253 tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%); trong đó tín dụng bằng VND tăng 7,91%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,92%. Dù tín dụng toàn nền kinh tế tăng chậm hơn các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid, nhưng so với những tháng trước đó tốc độ tăng trưởng tín dụng ngày càng được cải thiện tích cực. Nếu như quý I tín dụng tăng chậm chỉ tăng 1,3% so với cuối năm 2019 thì sang quý III tín dụng đã khởi sắc: tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75%, tháng 9 tăng 6,09% và đến ngày 18/11 tín dụng tăng 7,39% so với cuối năm 2019.
Số liệu của Vụ Tín dụng cũng cho thấy dòng vốn ngân hàng tiếp tục chảy mạnh vào 5 lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho các ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, dư nợ ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng cao nhất tăng 7,29% so với cuối năm 2019 cũng là ngành chiếm tỷ trọng lớn 62,79% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng 5,84%, chiếm tỷ trọng 28,58%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 5,36% chiếm 8,66% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong khi đó các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường quản lý rủi ro như BOT, BT giao thông, BĐS vẫn tiếp tục được NHNN kiểm soát chặt chẽ. Ước đến 31/10/2020, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đạt 110.134 tỷ đồng, giảm 0,49% so với cuối năm 2019.
Đánh giá về tình hình tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, diễn biến tín dụng thời gian qua phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ở Việt Nam tăng trưởng kinh tế thấp. Do nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu nên dù lãi suất cho vay đang ở mức gần như thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây tín dụng vẫn không thể tăng so với những năm trước.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, theo nhận xét của một chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng sớm phục hồi là điểm sáng trong bức tranh ngân hàng trong những tháng qua góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Có được kết quả tín dụng khởi sắc, trong thời gian qua, NHNN đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp điều hành tín dụng đúng, trúng mục tiêu. Theo đó, từ đầu năm đến nay NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh tạo nguồn vốn rẻ cho các NHTM có thể giảm sâu mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và DN. Cùng với đó, NHNN cũng lùi thời hạn giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 1 năm để giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của Covid.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cũng tích cực vào cuộc giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngân hàng triển khai tích cực Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ DN. Theo Vụ Tín dụng, đến 9/11/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng. Song song với đó, các TCTD cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng với dư nợ 931.018 tỷ đồng và cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 2,017 triệu tỷ đồng.
Lĩnh vực nào sẽ hút vốn?
Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã dần cải thiện kết hợp các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của ngành Ngân hàng, Vụ Tín dụng ước đến cuối năm, tín dụng toàn nền kinh tế có thể tăng 9%. SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt 9-10% so với đầu năm. TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 có khả năng đạt 9%-9,5%.
Qua tìm hiểu của phóng viên, một số ngân hàng cho biết đã xin nới room tín dụng, cho thấy các ngân hàng đang kỳ vọng sức bật cầu tín dụng tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế. Đơn cử, lãnh đạo HDBank cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 10/2020 của ngân hàng đã đạt 20% và ngân hàng đang xin NHNN nâng hạn mức lên khoảng 27-28% trong cả năm nay. Tương tự, tại OCB, lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và đang chờ NHNN cấp thêm room. Hay như MBBank đang mong muốn xin hạn mức tín dụng lên 25%.
Lãnh đạo một NHTM cho biết, tuỳ vào thời điểm sẽ lựa chọn khẩu vị thích hợp. Ví dụ thời điểm này, ngân hàng sẽ tập trung cho vay một số lĩnh vực tiềm năng có cơ hội tăng trưởng như hàng tiêu dùng, bán lẻ, điện mặt trời… Lãnh đạo một ngân hàng tiết lộ họ sẽ tập trung tài trợ tín dụng cho các DN xuất khẩu khi động lực đến từ khối này đang tăng mạnh nhờ Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP vừa được ký. Vị này cho rằng, nếu có thêm nỗ lực cải cách để kích thích tăng năng suất, lợi ích của Việt Nam từ RCEP sẽ lớn hơn, GDP và xuất khẩu có thể tăng tương ứng 1% và 4,3% so với trường hợp không có RCEP. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021, NHNN định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. “NHNN kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng. Song song với đó, chỉ đạo các TCTD phát triển đa dạng sản phẩm, tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Nhất là tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cho vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai, dịch bệnh”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Theo Thời báo Ngân hàng