Tình quân dân sau bão Yagi: Giúp nhân dân như giúp chính người thân trong gia đình

(BKTO) - Bão số 3 (bão Yagi) đi qua và để lại hậu quả hết sức nặng nề. Trong và sau bão, hàng trăm nghìn chiến sĩ quân đội, công an đang căng mình, chung sức chung lòng cùng nhân dân khắc phục hậu quả.

100% quân số luôn sẵn sàng ứng phó khẩn cấp

Trung tướng Doãn Thái Ðức, Cục trưởng Cục cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Ngay sau bão số 3, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời chỉ đạo toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; trong đó, duy trì các lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 gồm: 383.672 người (bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên); 5.320 phương tiện.

a-pham-hong-chuong.jpg
Trung tướng Phạm Hồng Chương - Tư lệnh Quân khu 2 - chỉ đạo các lực lượng triển khai công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả sập cầu Phong Châu. Ảnh: VGP

Vào lúc 10 giờ 10 phút ngày 9/9 tại Phú Thọ đã xảy ra vụ việc sập hai nhịp cầu Phong Châu (dài 120m) nối giữa xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông và xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao. Ðược sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã kịp thời điều động 510 người (bộ đội: 290 người, dân quân: 220 người) và 16 xe ô-tô, sáu xuồng tham gia khắc phục hậu quả và tìm kiếm người mất tích.

Tại Quảng Ninh - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bão số 3, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh huy động 100% cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ Quân khu 3 phối hợp cùng Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan tham gia khắc phục hậu quả mưa bão.

Ngay sau khi bão tan, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã cử 12 lượt kíp xuồng (trong đó có 2 xuồng cao tốc MS) cùng 70 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại khu vực vùng biển vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

hongai.jpg
Gia đình thuyền trưởng Trần Văn Sơn được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai hỗ trợ nơi ăn nghỉ tại đơn vị trong thời gian chờ trục vớt phương tiện. Ảnh: BĐBPQN

Ngày 9/9, Trung tá Nguyễn Thanh Hoàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai, BĐBP Quảng Ninh cho biết, ngày 8/9, tàu mang biển số HY 0496 do anh Trần Văn Sơn làm thuyền trưởng, chở 200 tấn xi măng từ Ninh Bình trong khi tránh bão tại khu vực đảo Ti Tốp, vịnh Hạ Long. Do ảnh hưởng sức gió quá mạnh của bão số 3, tàu bị đắm, 4 thuyền viên (gồm 3 cha con và 1 người làm thuê) bị trôi dạt nhiều tiếng đồng hồ trên biển.

Sau đó, các nạn nhân được một tàu cá đưa lên tàu và được lực lượng cứu nạn Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai cứu trợ. Tại đây, các nạn nhân được sơ cấp cứu ban đầu, đảm bảo sức khỏe, chờ thời gian trục vớt tàu.

hongai1.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3.

Tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, khi bão vừa đi qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dân quân thị xã có mặt trên khắp các tuyến đường để phối hợp các lực lượng cưa, cắt, vận chuyển cây xanh bị đổ, gãy. Trung tá Bùi Duy Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị xã cho biết: “Thống kê sơ bộ, thị xã không có thiệt hại về người nhưng số lượng cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy rất lớn. Vì vậy, ngay sau bão, dù trong đêm nhưng chúng tôi vẫn huy động 100% quân số tham gia dọn dẹp cây bị gãy, đổ, ưu tiên khắc phục trên những tuyến đường chính, khu vực bị ách tắc giao thông”.

Tại Hải Phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang thành phố phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” để tập trung khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ðại tá Bùi Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cho biết: Trong suốt quá trình ứng phó trước, trong và sau bão, lực lượng vũ trang thành phố luôn thể hiện tâm thế chủ động, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả lực lượng, phương tiện, vật chất.

Ðơn vị đã huy động 6.650 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ cùng 50 ô-tô, 4 xe đặc chủng, 17 tàu, xuồng tham gia khắc phục hậu quả mưa bão. Ðáng chú ý, đơn vị đã tham mưu di dời 5.400 hộ dân ở các khu chung cư cũ, nhà nguy hiểm đến nơi tránh, trú an toàn; hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ðể phòng chống và ứng phó với bão số 3, Quân khu 3 đã thành lập hai sở chỉ huy phía trước tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Ðịnh nhằm kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang duy trì 100% quân số trực; huy động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và hơn 42.000 dân quân tự vệ cùng 580 phương tiện ô-tô, tàu, xuồng, xe đặc chủng phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để tham gia xử trí các tình huống trước, trong và sau bão.

Giúp nhân dân như giúp chính người thân trong gia đình

Tính đến chiều 10/8, sau 2 ngày nỗ lực do nhiều điểm sạt lở đất ngáng đường cộng với mưa to vẫn tiếp tục ở huyện miền núi Nguyên Bình (Cao Bằng) các lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được tất cả 3 điểm sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều người chết, mất tích.

d536bbb1fdfe14a04def.jpg.jpg
Lực lượng cảnh sát giao thông nỗ lực mở đường cứu hộ cứu nạn trong hoàn cảnh hết sức khó khăn tại huyện miền núi Nguyên Bình (Cao Bằng) 
275847df0190e8ceb181.jpg.jpg
Mưa to, khối lượng đất đá sạt trượt lớn, nước chảy siết nên việc tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Tại đây vẫn tiếp tục có mưa to, khối lượng đất đá sạt trượt lớn, nước chảy siết nên việc tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Tại các các điểm Lũng Lỳ (xã Ca Thành), Lũng Súng (xã Yên Lạc) các phương tiện, thiết bị kỹ thuật lớn không thể tiếp cận do đường bị sạt lở nghiêm trọng. Với 3 vụ sạt lở liên tiếp, huyện miền núi Nguyên Bình đã chịu đau thương mất mát khiến 29 người chết, 15 người bị thương và còn khoảng 23 người mất tích. Các lực lượng quân đội, công an đang nỗ lực tối đa trong công tác tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn. Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Lúc này mưa lớn, đất đã bão hòa nước nên chỉ động vào lại sạt và sạt rất nhiều. Vừa tìm cách vào cứu hộ vùng nguy hiểm, chúng tôi còn làm nhiệm vụ tiếp tế nước sạch, mì tôm cho nhân dân địa phương”.

5 giờ ngày 9/9, tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai), sạt lở đất đã vùi lấp 3 nhà và 7 người dân. Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đang phối hợp lực lượng chức năng tổ chức tiếp cận hiện trường. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, tại thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, sạt lở đất vùi một nhà dân làm bốn người chết và một người bị thương.

Bộ đội Biên phòng Lào Cai cử tám cán bộ, chiến sĩ phối hợp địa phương, lực lượng chức năng hỗ trợ đưa một người cấp cứu đi điều trị, tìm kiếm đưa bốn thi thể bị vùi lấp ra ngoài. 

1-lu-bao-2-8995.jpg.jpg
Cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống sạt lở tại tuyến đê thuộc thôn Mai Tô, xã Phì Ðiền, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Phạm Thịnh 

Tại tỉnh Bắc Giang, địa bàn huyện Lục Ngạn, huyện Sơn Ðộng đã xảy ra mưa lớn, nước lên nhanh gây ngập lụt nhiều khu vực; nhiều nhà dân, công trình bị hư hỏng, tốc mái; nhiều cây cối, cột điện gãy đổ...

Ðại tá Phạm Hồng Doanh, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12) cho biết: Với tinh thần “giúp nhân dân như giúp chính người thân trong gia đình”, Sư đoàn 325 vừa chủ động phòng chống bão tại đơn vị, đồng thời huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện tham gia giúp nhân dân tại các xã, thị trấn, 17 trường học và hơn 200 hộ dân thuộc hai huyện Sơn Ðộng và Lục Ngạn.

Trong hai ngày 8 và 9/9, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp nhân dân vận chuyển gần 500 tấn hàng hóa các loại (400 tấn gạo; 70 tấn long nhãn, vải khô; 8,7 tấn mì Chũ; hai kho thùng xốp...) và giúp các trường học, hộ dân vận chuyển trang, thiết bị, đồ dùng, vật chất đến nơi an toàn.

Lực lượng công an đã huy động hơn 100.000 người, chuẩn bị hơn 27.000 phương tiện đường bộ, hơn 2.200 phương tiện đường thủy và hàng nghìn thiết bị chuyên dụng khác nhằm cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống.

Tại Yên Bái, Cảnh sát cơ động Công an tỉnh huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện giúp di chuyển tài sản cho hơn 40 hộ dân, đưa hàng chục hộ dân ở những khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn.

1-lu-bao-3-1531.jpg.jpg
Công an tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: Công an Lạng Sơn 

Tại thành phố Lạng Sơn, Công an thành phố duy trì bốn tổ tuần tra lưu động trên các tuyến phố, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ đưa 40 người già, trẻ em kẹt từ vùng lũ đến nơi an toàn; phối hợp tìm kiếm cứu nạn một nạn nhân tử vong do sạt lở đất tại thôn Làng Bu 1, xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng.

Tại Phú Thọ, Cảnh sát giao thông triển khai hơn 60 tổ tuần tra kiểm soát, 200 lượt cán bộ, chiến sĩ bảo đảm trật tự an toàn giao thông 24/24 giờ trong ngày.

Tại thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu công an cấp huyện chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn tham mưu cấp ủy, chính quyền, địa phương rà soát, kiểm tra huy động các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3; giải quyết tình trạng cây đổ, bật gốc, gãy cành, ngập úng trên các tuyến đường; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ khắc phục hậu quả cơn bão.

Cùng chuyên mục
Tình quân dân sau bão Yagi: Giúp nhân dân như giúp chính người thân trong gia đình