Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020

(BKTO) – Ngày 08/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị-Hội thảo “Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Sự kiện được tổ chức nhằm cụ thể hóa những định hướng phát triển văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra mới đây.



                
   

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị-Hội thảo. Ảnh chụp màn hình: N.LỘC

   

Sự kiện diễn ra trực tuyến tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của giới nghiên cứu, quản lý, làm nghề lĩnh vực điện ảnh.

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược, qua 7 năm thực hiện, toàn ngành điện ảnh đã nghiêm túc, tích cực chủ động triển khai nhiệm vụ, liên tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách; tạo thuận lợi cho các hoạt động điện ảnh; đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Giai đoạn 2013-2020, điện ảnh nước nhà có sự thay đổi sâu sắc. Số lượng các DN nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ; quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy vốn đầu tư cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới về hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim phù hợp thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và nhu cầu phát triển công nghiệp điện ảnh.

Năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số lượt người xem tại rạp giảm xuống mức thấp, chỉ đạt 19.632.652 lượt người xem, không đạt mục tiêu đề ra của Chiến lược (95 triệu lượt người xem). Trong đó, phim Việt Nam là 8.125.969 triệu lượt người xem; phim nước ngoài là 11.506.683 lượt người xem. Mặc dù không đạt được các mục tiêu về phát hành, phổ biến phim đề ra theo Chiến lược, nhưng giai đoạn này tiếp tục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống rạp chiếu phim do DN tư nhân quản lý.

Theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, ngành điện ảnh Việt Nam nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua việc nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
                
   

Quang cảnh Hội nghị-Hội thảo. Ảnh chụp màn hình: N.LỘC

   

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đặt mục tiêu doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD vào năm 2020) và 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD vào năm 2030).

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã tác động, làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của người dân. Thực tế đó đòi hỏi một luật mới về điện ảnh ra đời nhằm luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị-Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả ngành điện ảnh đạt được; những tác động tích cực cũng như những khó khăn trong việc thực hiện Chiến lược phát triển Điện ảnh trong thời gian qua, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 đến ngành điện ảnh, những giải pháp tháo gỡ để giúp ngành điện ứng ứng phó tốt hơn với biến động../.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020