Xung quanh vấn đề này, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có thông tin trao đổi với báo chí.
Thưa Tổng Kiểm toán nhà nước, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, xin Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết hoạt động của KTNN đối với công tác PCTNTC trong thời gian qua?
Với trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (Ban Chỉ đạo), KTNN đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; chủ động đôn đốc đối với cấp ủy, tổ chức đảng được phân công phụ trách thực hiện công tác PCTNTC, báo cáo kết quả thực hiện... Cụ thể:
KTNN đã xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác hàng năm, trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện các nội dung nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công để chỉ đạo tổ chức thực hiện; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCTNTC trên các địa bàn được giao phụ trách.
KTNN cũng tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy định của Đảng về PCTNTC như Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong công tác cán bộ, Luật PCTNTC…; tổ chức rà soát, thể chế hóa đầy đủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC vào các quy định của KTNN về hoạt động kiểm toán.
Ngoài ra, Tổng Kiểm toán nhà nước còn tham gia thực hiện nhiệm vụ Trưởng Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC thực hiện kiểm tra chuyên đề tại một số địa phương theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, lãnh đạo KTNN hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về PCTNTC vào các văn bản quy định cho hoạt động kiểm toán của KTNN.
Xin Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết những kết quả nổi bật trong công tác PCTNTC thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN?
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật KTNN và Luật PCTNTC, KTNN luôn xác định PCTNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kiểm toán; từ đó KTNN từng bước hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và khẳng định vai trò quan trọng trong công tác PCTNTC trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình mới, với tinh thần quyết tâm, khí thế trong công tác PCTNTC trong toàn Đảng, toàn dân ngày càng cao, ý thức, trách nhiệm và hành động của KTNN đối với công tác này tiếp tục được khẳng định ở cấp độ cao nhất. Những nỗ lực của KTNN trong công tác PCTNTC qua hoạt động kiểm toán được thể hiện rõ trên ba khía cạnh sau:
Thứ nhất, góp phần phòng, ngừa tham nhũng. Hằng năm, KTNN thực hiện bình quân khoảng 250 cuộc kiểm toán, trong đó đã tiến hành đánh giá và xác nhận tính trung thực của hàng nghìn Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán của các đơn vị, dự án được chi tiết. Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chuyển hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.
Thông qua các phát hiện kiểm toán, KTNN góp phần chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, tạo sự răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, hàng năm KTNN cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.
Thứ hai, lần đầu tiên KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023, trên cơ sở cụ thể hóa Điều 87 Luật PCTN: “KTNN có trách nhiệm kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật”; trong đó, quy định đối với trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự. Thực tiễn, KTNN đã áp dụng thực hiện đối với 02 cuộc kiểm toán (Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) theo chỉ đạo và đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và cung cấp tài liệu cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định.
Thứ ba, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các cơ quan chức năng “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công được hiệu quả, tiết kiệm. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của KTNN trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh, minh bạch. Trong đó, hàng năm KTNN kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý khác.
Cùng với những đóng góp quan trọng trong công tác PCTNTC nói chung, dư luận cũng rất quan tâm đến câu chuyện PCTNTC trong chính cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Vậy, với KTNN, công tác này được thực hiện như thế nào, thưa Tổng Kiểm toán nhà nước?
Trong suốt 30 năm qua, KTNN luôn giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”. KTNN thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về PCTNTC. Với vai trò là công cụ của Đảng, Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTNTC, KTNN xác định trên hết, trước hết là phải làm tốt công tác PCTNTC từ chính nội bộ KTNN không có “vùng cấm”.
Thứ nhất, KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật về PCTNTC, đặc biệt là chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC đối với công tác PCTNTC.
Thứ hai, KTNN đã cơ bản thể chế hóa, đồng bộ quy định của Đảng, Nhà nước về PCTNTC vào hoạt động của KTNN; xây dựng mới, sửa đổi hệ thống các quy định để phù hợp với Quyết định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị như: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử Kiểm toán viên nhà nước; các quy trình kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán… Đặc biệt, ngay sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Thứ ba, KTNN tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, lòng tự trọng nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước.
Thứ tư, KTNN tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, đột xuất, trong đó tập trung thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm tra, xác minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ; kiểm soát chất lượng kiểm toán, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán. Tổ chức đường dây nóng của KTNN để tiếp nhận thông tin về tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, của Kiểm toán viên nhà nước. Thực hiện việc luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với cán bộ, công chức, nhằm PCTNTC theo đúng chủ trương của Đảng...
Thứ năm, KTNN cũng đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định PCTNTC đối với các đơn vị trực thuộc, các đoàn kiểm toán, đảm bảo không để xảy ra bất cứ hành vi tiêu cực nào trong thực thi công vụ.
Thứ sáu, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán.
Thực tiễn cho thấy, công cuộc PCTNTC cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là các cơ quan nội chính. Xin Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết việc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng có liên quan trong PCTNTC thời gian qua như thế nào?
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân giao, thời gian qua KTNN đã phối hợp chủ động, tích cực với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác PCTNTC để phát huy điểm mạnh của từng cơ quan, tổ chức để hoàn thành tốt nhất công tác PCTNTC trong quản lý tài chính công, tài sản công.
Qua hoạt động kiểm toán, trong 05 năm gần đây (năm 2019-2023), KTNN đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, trong khuôn khổ giới hạn kiểm toán theo luật định, khi phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán...
Ban cán sự đảng KTNN và KTNN đã ký quy chế phối hợp với Ban Nội Chính trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời đang rà soát để bổ sung nội dung “phối hợp về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực” trong Quy chế phối hợp công tác với các đơn vị.
Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo ngày 16/8/2023 về việc giao KTNN chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch trong việc phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động kiểm toán, Ban cán sự đảng KTNN đã phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện xây dựng Thông tư liên tịch theo đúng quy định.
Có ý kiến đặt ra vấn đề, tại sao KTNN thực hiện nhiều cuộc kiểm toán, nhưng việc phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm để chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý còn hạn chế? Tổng Kiểm toán nhà nước lý giải như thế nào về vấn đề này?
Trước hết, cần phải khẳng định hoạt động KTNN không phải là hoạt động điều tra, thanh tra theo vụ việc. Theo thông lệ và quy định quốc tế, hoạt động KTNN là nhằm đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính, việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện theo nguyên tắc chọn mẫu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tại thời điểm kiểm toán. Nói một cách ví von, KTNN có vai trò như bác sỹ đa khoa, khám lâm sàng cho bệnh nhân, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh thì chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa (các cơ quan điều tra) để đánh giá chuyên sâu để đánh giá, kết luận.
Trong lĩnh vực kiểm toán, có khái niệm kiểm toán điều tra để ghi nhận việc điều tra đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, song việc điều tra này chỉ áp dụng nhằm mục tiêu làm rõ và cung cấp thêm thông tin, tài liệu từ các đối tượng có liên quan để bổ sung căn cứ cho việc đưa ra những đánh giá, nhận xét hay kết luận kiểm toán; không nhằm mục đích xác định các hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, dù khái niệm này được đề cập từ rất sớm trong hoạt động kiểm toán của quốc tế (từ năm 1940) và đến năm 1980 mới được áp dụng, nhưng trên thực tế hiện nay cũng mới chỉ có một số nước phát triển mới áp dụng kiểm toán điều tra. Ngay bản thân Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao INTOSAI, các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới cũng chưa có hướng dẫn, chuẩn mực quy định về vấn đề này. Đây là khó khăn chung của các cơ quan kiểm toán trong việc phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm để chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Trong tình hình mới với những yêu cầu ngày càng cao đặt ra cho KTNN trong công tác PCTNTC, KTNN có giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác này, thưa Tổng Kiểm toán nhà nước?
Để nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN trong PCTNTC, chúng tôi xác định sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về KTNN để các cấp ngành, xã hội có nhận thức đúng vai trò, địa vị pháp lý, chức năng và nhiệm vụ của KTNN nói chung và trong PCTNTC nói riêng.
Thứ hai, KTNN đang rà soát nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật KTNN, trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm của KTNN trong công tác PCTNTC nhằm thể chế hóa các văn bản mới của Đảng về công tác này, cũng như phù hợp, đồng bộ với pháp luật về PCTNTC (đặc biệt là kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật khác đảm bảo thuận lợi cho công tác PCTNTC của KTNN.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTNTC, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện qua hoạt động kiểm toán. Chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, bằng chứng kiểm toán cho các cơ quan có chức năng xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN. Để phát huy tốt vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực, góp phần PCTNTC, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm thông qua việc kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ công chức, kiểm toán viên bảo đảm yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt, toàn Ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước và của KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh PCTNTC.
Thứ sáu, KTNN tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp đấu tranh PCTNTC trong chính nội bộ hoạt động của ngành thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cấp. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Quy chế hoạt động kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật để công tác kiểm toán đi vào kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với KTNN.
Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán nhà nước!
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả của KTNN để KTNN trở thành một công cụ thực sự quan trọng, hữu hiệu trong đấu tranh PCTNTC. Đặc biệt quan tâm kiểm soát, giám sát quyền lực và việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các tập thể, cá nhân trong hoạt động KTNN; tăng cường tính minh bạch, công khai. Đồng thời, nâng cao chất lượng và tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, công chức KTNN; thường xuyên giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong các ngành, nghề chuyên sâu, ngành, nghề mới trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh; tăng cường sắp xếp, bố trí, phân công, theo dõi, đánh giá, giám sát, luân chuyển, bổ nhiệm chặt chẽ cán bộ, công chức KTNN.
Trích cuốn sách "Vì sự trong sạch, vững mạnh và trường tồn của Đảng" của ông Trần Quốc Vượng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư