Cùng dự có các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đức Chính - Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.
Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có sự tham dự của các đồng chí: Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình; Bùi Tiến Lực - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình; đại diện các sở, ban, ngành; huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc cùng cử tri trên địa bàn huyện.
Kịp thời truyền tải ý kiến của cử tri
Tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đã thông tin đến cử tri những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cũng như hoạt động của ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp.
Theo đó, sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về hoạt động của ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc cho biết, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc chương trình nghị sự của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại các phiên thảo luận. Tại Kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đã tham gia 16 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và tại Hội trường. Trong đó, Đoàn đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nhiều nội dung vướng mắc từ cơ sở và đã được Quốc hội xem xét, tiếp thu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng trình và xin ý kiến tại Kỳ họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tiếp tục phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân tỉnh Hòa Bình đến với nghị trường; kiến nghị một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán. Ngày 5/6/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời chất vấn về các nội dung: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các câu hỏi đưa ra chất vấn, trả lời chất vấn đi thẳng vào các vấn đề đang được dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm. Tổng Kiểm toán nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, trọng tâm, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Nỗ lực không ngừng, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri
Bày tỏ sự tin tưởng vào hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, tại Hội nghị, cử tri ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp chung vào thành công của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ý kiến đóng góp của Đoàn mang tính thực tiễn, có chất lượng, thể hiện trách nhiệm với cử tri và nhân dân.
Với tinh thần thẳng thắn, cử tri huyện Tân Lạc đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Hòa Bình nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào các nội dung về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn bất cập trong triển khai; việc cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đảm bảo đời sống, yên tâm công tác; có chính sách giải quyết việc làm cho con em trên địa bàn; việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn huyện; thay đổi chế độ tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế, chế độ cho nhân viên y tế cấp cơ sở…
Tiếp thu các ý kiến, đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc tỉnh đã giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri trong thẩm quyền.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cảm ơn sự có mặt đông đủ của cử tri và nhân dân huyện Tân Lạc. Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, trách nhiệm, rõ ràng, có tính xây dựng cao. Các ý kiến đều phản ánh được ý chí, nguyện vọng không chỉ của cá nhân cử tri mà cả ý chí, nguyện vọng chung của cử tri trên địa bàn, cũng như các vấn đề của đất nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tân Lạc đã được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi chép đầy đủ, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành và báo cáo cử tri trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần nhất.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng trực tiếp giải đáp, làm rõ hơn các nội dung cử tri quan tâm và khẳng định sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh phản ánh những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân huyện Tân Lạc và tỉnh Hoà Bình đến với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của huyện Tân Lạc nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, một trong những vấn đề nổi cộm được cử tri đề cập, đó là vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là với các chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian qua, qua kiểm toán đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, KTNN cũng chỉ ra những bất cập trong quy định, dẫn đến chồng chéo, khó triển khai trong thực tế. Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành xem xét, điều chỉnh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận và phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Trả lời cử tri về vấn đề tuyển dụng người sau tốt nghiệp, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, đây là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc xét biên chế cũng có những khó khăn nhất định. Để giải quyết tình trạng này, trước hết cần làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp để tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, giúp các em lựa chọn được công việc phù hợp.
* Tại Hội nghị, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trao 60 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tân Lạc. Đây là món quà do Công đoàn KTNN chuyên ngành V quyên góp, ủng hộ với trị giá 150 triệu đồng.