Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

(BKTO) - Chiều 3/12, tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

439a37e827cf9d91c4de.jpg
Tổng Kiểm toán  nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu giải đáp ý kiến cử tri tại Hội nghị. Ảnh: N. LỘC

Cùng dự có các ĐBQH: Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đức Chính - Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Tiến Lực - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình; đại diện các Sở, ban, ngành; huyện ủy, UBND huyện Cao Phong cùng đông đảo cử tri trên địa bàn huyện.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để kiến nghị giải quyết

Tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đã thông tin đến cử tri những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng như hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp.

62478c749b53210d7842.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N. LỘC

Theo đó, sau 29,5 ngày làm việc với 2 đợt họp, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thể hiện tinh thần đổi mới, linh hoạt, tạo dấu ấn đậm nét trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Tại Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp vào thành công chung của Kỳ họp. Các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, chủ động tham gia phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, đa chiều tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về các dự thảo luật, nghị quyết; tham gia chất vấn thẳng thắn, tâm huyết đóng góp cho Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

4dae0a1e1c39a667ff28.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: N. LỘC

Qua khảo sát thực tế ở địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cũng như những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, các ĐBQH trong Đoàn đã tích cực nghiên cứu, từ đó đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách và đặc biệt là tham gia, đóng góp ý kiến trong sửa đổi, bổ sung các dự thảo luật, nghị quyết trình tại Kỳ họp.

Trong đó, Đoàn đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nhiều nội dung vướng mắc từ cơ sở và đã được Quốc hội xem xét, tiếp thu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng trình và xin ý kiến tại Kỳ họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân tỉnh Hòa Bình đến nghị trường; kiến nghị các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực không ngừng, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri

Tại Hội nghị, cử tri ghi nhận và đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 8 và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp chung vào thành công của Kỳ họp. 

c5c3269931be8be0d2af.jpg
Cử tri huyện Cao Phong phát biểu ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị. Ảnh: N. LỘC

Với tinh thần thẳng thắn, cử tri huyện Cao Phong cũng đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Hòa Bình nhiều vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp; xem xét đơn giản hóa thủ tục kiểm điểm, đánh giá công chức, viên chức để tránh lãng phí thời gian không cần thiết; xóa nhà tạm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đồng tình với chủ trương sắp xếp lại các Bộ, ngành, địa phương, song cử tri đề nghị việc sắp xếp bộ máy phải được thực hiện đồng thời với việc quy định chức năng của các cơ quan sau sắp xếp, cần có giải pháp khả thi, đúng đắn để tìm được người đủ năng lực quản lý sau sắp xếp…

Tiếp thu các ý kiến, đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc tỉnh đã trực tiếp giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri trong thẩm quyền.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, trách nhiệm, rõ ràng, có tính xây dựng cao; phản ánh được ý chí, nguyện vọng không chỉ của cá nhân cử tri mà cả ý chí, nguyện vọng chung của cử tri trên địa bàn, cũng như các vấn đề của đất nước.

bc1e38f12ad69088c9c7.jpg
Tại Hội nghị, đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh Hòa Bình đã trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Ảnh: N. LỘC

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Cao Phong đã được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi chép đầy đủ, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành và báo cáo cử tri trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần nhất.

Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng trực tiếp giải đáp, làm rõ hơn các nội dung cử tri quan tâm.

Đối với kiến nghị của cử tri về miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người dân, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, hiện nay, Nhà nước đang thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và nội dung này sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội để tiếp tục xem xét gia hạn miễn thuế trong 10 năm nữa.

Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hiện nay có đất phi nông nghiệp phải nộp thuế song Nhà nước cũng có chính sách miễn, giảm với đối tượng khó khăn, các dự án đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, hộ nghèo, người có công, người bị thiên tai… Trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng đã có kế hoạch, trong năm 2025 sẽ sửa thuế đất phi nông nghiệp. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và phản ánh ý kiến của cử tri, song tinh thần là người giàu phải nộp thuế, người nghèo được quan tâm, ưu đãi” - Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ.

Về chính sách hỗ trợ cho thanh niên sau xuất ngũ phát triển kinh tế, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết cũng rất trăn trở với vấn đề này và sẽ tiếp tục có trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị tỉnh quan tâm đến việc tạo việc làm cho thanh niên. Song, trên tinh thần nỗ lực, tiên phong của tuổi trẻ, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị mỗi thanh niên trước hết phải khẳng định mình trong mọi hoạt cảnh để vươn lên làm giàu.

Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh phản ánh những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân huyện Cao Phong và tỉnh Hoà Bình đến với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của huyện Cao Phong nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung.

Cùng chuyên mục
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV