Tổng thống đắc cử Joe Biden - Nguồn: sưu tầm. |
Biden đã vận động tranh cử vào năm ngoái với lời hứa sẽ coi trọng đại dịch hơn Tổng thống Donald Trump, và gói kích thích này được coi là hành động cụ thể để thực hiện cam kết đó với nguồn lực dồi dào hơn để giúp nước Mỹ phản ứng với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
"Một cuộc khủng hoảng về nỗi đau khổ sâu sắc của con người đang hiển hiện rõ ràng, và không có thời gian để lãng phí. Chúng ta phải hành động và hành động ngay bây giờ - ông Biden nhấn mạnh trong một phát biểu của mình.
Gói viện trợ bao gồm 415 tỷ đô la để tăng cường ứng phó với vi rút và triển khai vắc xin COVID-19, khoảng 1.000 tỷ đô la cứu trợ trực tiếp cho các hộ gia đình và khoảng 440 tỷ đô la cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Mỗi người dân dự kiến được trợ cấp 1.400 USD, so với 600 USD trong gói cứu trợ được triển khai từ cuối tháng 12/2020. Tiền bảo hiểm hỗ trợ thất nghiệp cũng được tăng lên 400 USD/tuần, so với mức 300 USD/tuần hiện nay, và sẽ được kéo dài đến tháng 9.
Về chống COVID-19, 20 tỉ USD sẽ được chi đẩy nhanh tốc độ và mở rộng quy mô chủng ngừa toàn quốc. 50 tỉ USD sẽ được chi mở rộng năng lực xét nghiệm vốn được xem là rất quan trọng để mở lại trường học và doanh nghiệp. 30 tỉ USD sẽ được chi cho việc giảm nhẹ thảm họa, trong đó có cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên y tế tuyến đầu, hỗ trợ 100.000 nhân viên y tế công làm việc trong các cộng đồng dân cư địa phương, và mở rộng dịch vụ y tế ở các khu vực vốn đang bị hạn chế.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, đối tượng trong lần giải cứu này là các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại nặng do đại dịch, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ do người da màu sở hữu. Theo ông Biden, kinh tế Mỹ năm nay xuống mức rất tồi tệ và sẽ còn tệ hơn rất nhiều, vì thế “chúng ta phải đầu tư khoản tiền đáng kể lúc này để vực dậy kinh tế”.
Các quỹ liên bang và các chính quyền địa phương cũng sẽ được nhận tiền để tránh ảnh hưởng đến lương bổng của cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, nhân viên phản ứng nhanh, giáo viên, nhân viên y tế.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cam kết Quốc hội sẽ nhanh chóng thảo luận về gói cứu trợ của Biden. "Khuôn khổ hỗ trợ khẩn cấp của chính quyền Biden - Harris là cách tiếp cận đúng đắn. Chúng tôi sẽ lập tức thảo luận để biến tầm nhìn của Tổng thống đắc cử Biden thành dự luật được thông qua ở lưỡng viện và ký ban hành thành luật", thông cáo chung của Pelosi và Schumer có đoạn viết.
Kế hoạch trên của Biden nhằm khởi động nhiệm kỳ của ông bằng một dự luật lớn có thể nhanh chóng thực hiện mục tiêu: giúp đỡ nền kinh tế và xử lý dịch bệnh. Gói kích thích này cũng tạo ra một sự tương phản rõ nét với Tổng thống Trump, người đã dành những tháng cuối cùng trong chính quyền của mình để tìm cách làm suy yếu chiến thắng bầu cử của Biden thay vì tập trung vào việc cứu trợ những thiệt hại từ dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, chưa biết đề xuất chi tiêu của ông Biden sẽ được phe Cộng hòa ở lưỡng viện Quốc hội tiếp nhận và xử lý thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng đảng Cộng hòa sẽ gây khó cho chương trình hành động của ông Biden để trả đũa cho việc đảng Dân chủ theo đuổi luận tội Tổng thống Donald Trump. Nhưng dự đoán ông sẽ có lợi thế lớn bởi Đảng Dân chủ sẽ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.
“Tôi biết những đề xuất trên là những con số không hề nhỏ, nhưng nếu không làm như vậy sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt. Nếu chúng ta đầu tư ngay bây giờ - một cách táo bạo, thông minh, với trọng tâm vững chắc vào người lao động và gia đình Mỹ - chúng ta sẽ củng cố nền kinh tế của mình, giảm bất bình đẳng và đưa tài chính dài hạn của quốc gia vào hướng bền vững nhất - ông Biden nhấn mạnh.
Cũng theo quan chức nhóm Biden tiết lộ sẽ có thêm một gói kích thích hồi phục kinh tế được công bố sau vài tuần. Nếu những gói cứu trợ này được thông qua và thực hiện, nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm thời gian cầm cự cho đến khi việc triển khai vaccine cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế, khôi phục nhiều hoạt động thương mại hơn.
Hiện Mỹ vẫn là điểm nóng toàn cầu về dịch COVID-19 vớigần 24 triệu người nhiễm, trong đó có hơn 397.000 người đã chết.
NAM SƠN (Theo Reuters)