Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trong cổ phần hóa doanh nghiệp

(BKTO) - Sáng 01/3, tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của các văn bản, quy định về vấn đề cổ phần hóa (CPH), kiểm toán tư vấn định giá; thực trạng công tác tổ chức kiểm toán, quá trình thực hiện kiểm toán, phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập trong công tác kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp (DN) CPH.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: H.LONG

   

Ông Lê Thanh Tùng - KTNN chuyên ngành VI

Nghị định số 126/2017/NĐ-CP gồm 07 Chương và 50 Điều, 02 Phụ lục có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 có các quy định mới về việc xác định giá trị DN khi CPH. Đáng chú ý, Điều 22 của Nghị định bổ sung phương pháp xác định giá trị DN thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị DN, đảm bảo mỗi DN CPH phải được áp dụng tối thiểu 02 phương pháp xác định giá trị DN khác nhau.
                
   

Ông Lê Thanh Tùng - KTNN chuyên ngành VI. Ảnh: H.LONG

   
Tại Điều 26 quy định KTNN đối với DN CPH, trong đó điều chỉnh đối tượng kiểm toán (các DNNN, các công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ có vốn nhà nước theo sổ sách tại thời điểm xác định giá trị DN từ 1.800 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH MTV- DN cấp II có vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị DN từ 1.800 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH MTV khác khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu) và bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc gửi lộ trình thực hiện CPH các DN đến KTNN để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán.

Đồng thời, các Điều 27, 28, 30, 31, 32 lần lượt bổ sung các quy định về giá trị DN CPH theo phương pháp tài sản; các khoản không tính vào giá trị DN để CPH; giá trị quyền sử dụng đất; giá trị lợi thế kinh doanh của DN; xác định giá trị vốn đầu tư của DN CPH tại các DN khác.

Ông Đỗ Quốc Việt - KTNN chuyên ngành VI

Kiểm toán kết quả xác định giá trị DN là những cuộc kiểm toán đặc thù chứa đựng sự kết hợp chặt chẽ giữa ba loại hình kiểm toán. Trong những năm qua, hoạt động kiểm toán kết quả xác định giá trị DN đã có những kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn một số những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặc dù đã có quy định về yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi danh sách thông báo lộ trình thực hiện CPH các DN đến cơ quan KTNN để cơ quan KTNN xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán, tuy nhiên đến nay việc thông báo lộ trình CPH của cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn chưa được thực hiện. Do đó, KTNN chưa đủ cơ sở để đưa các cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN vào kế hoạch kiểm toán năm.
                
   

Ông Đỗ Quốc Việt - KTNN chuyên ngành VI. Ảnh: H.LONG

   
Các cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN đều là các cuộc kiểm toán đột xuất, không có trong kế hoạch kiểm toán hàng năm và KTNN phải thực hiện kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ xác định giá trị DN của cơ quan đại diện chủ sở hữu nên không có tính chủ động về mặt nhân sự. Bên cạnh đó, thời hạn 10 ngày là rất ngắn cho việc thực hiện đầy đủ quy trình kiểm toán từ khâu khảo sát thu thập thông tin; lập, xét duyệt kế hoạch kiểm toán và ban hành Quyết định kiểm toán.

Ngoài ra còn một số tồn tại, vướng mắc, như: chưa xây dựng và ban hành quy trình kiểm toán riêng áp dụng cho các cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN; chưa có hệ thống hồ sơ mẫu biểu thống nhất từ biên bản xác nhận số liệu của KTV đến biên bản kiểm toán và các phụ lục kèm theo; việc xác định giá thị trường làm căn cứ đánh giá cũng gặp nhiều khó khăn và gây ra rất nhiều tranh cãi, bất đồng quan điểm giữa các bên vì hiện nay tại Việt Nam chưa có một ngân hàng lưu trữ đầy đủ các thông tin về giá trị các loại tài sản, hàng hóa hiện có trên thị trường…

Ông Võ Đại Tôn - KTNN chuyên ngành VI

Qua kiểm toán phát hiện thực trạng xác định giá trị vốn đầu tư của DN CPH tại các DN khác áp dụng không phù hợp về tính hiệu lực của các văn bản pháp luật khi xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn tại DN khác. Đơn cử, thời điểm xác định giá trị DN của Công ty mẹ- Tổng công ty Lương thực miền Nam là 31/3/2015, Tổ chức tư vấn đã áp dụng theo Nghị định số 116/2015/NĐ-CP (ban hành và có hiệu lực từ ngày 11/11/2015) để xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn, trong khi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP đang có hiệu lực.
                
   

Ông Võ Đại Tôn - KTNN chuyên ngành VI. Ảnh: H.LONG

   
Việc xác định lại các khoản đầu tư tài chính không đúng quy định về thời điểm xác định giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán (tại Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam). Cùng với đó là tình trạng xác định thiếu giá trị thương hiệu, giá trị tiềm năng phát triển của công ty con 100% vốn góp của công ty mẹ dẫn đến ảnh hưởng đến giá trị đầu tư vốn của Công ty mẹ (Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam); xác định giá trị khoản đầu tư tài chính theo phương pháp vốn chủ sở hữu không căn cứ vào báo cáo tài chính tại thời điểm tổ chức xác định giá trị DN (tại Tổng công ty Phát điện 2)...

Ông Phạm Trường Hưng - KTNN chuyên ngành VI

Với việc ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh dường như vẫn chưa thực sự phù hợp, vẫn còn một số điểm hạn chế. Việc xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu” chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “Giá trị thương hiệu” hay “Nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình. Đối với tiềm năng phát triển của DN, việc tính lợi thế kinh doanh căn cứ vào lợi nhuận bình quân 5 năm gần nhất và so sánh với lãi suất trái phiếu chính phủ như quy định hiện tại là không hợp lý. Đối với chi phí thương hiệu được căn cứ vào các khoản chi phí tạo ra thương hiệu trong vòng 05 năm là ngắn so với nhiều DN có bề dày hoạt động lên hàng chục thậm chí hàng trăm năm; bên cạnh đó, nội dung các chi phí được coi là tạo ra thương hiệu chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng.
                
   

Ông Phạm Trường Hưng - KTNN chuyên ngành VI. Ảnh: H.LONG

   
Điều này có thể thấy trong quá trình xác định giá trị lợi thế kinh doanh của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, theo đó, giá trị thương hiệu của hãng phim này chỉ được định giá 0 đồng. Tại thời điểm định giá, đơn vị áp dụng quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 127/2014/TT-BTC, tuy nhiên nếu áp dụng Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì giá trị thương hiệu của hãng phim này cũng vẫn sẽ chỉ là 0 đồng do trong vòng 5 năm kể trước thời điểm xác định giá trị DN, phần Hãng phim truyện Việt Nam không có chi phí thành lập DN, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang website… nên công ty không tập hợp được chi phí thực tế để tạo dựng thương hiệu. Đây không phải trường hợp hiếm gặp trong quá trình CPH DNNN thời gian qua.

Ông Vũ Minh Đức - KTNN chuyên ngành VI

Thực tế đến nay khi thực hiện kiểm toán cho thấy, các DN tiến hành CPH và đơn vị định giá hầu như chỉ áp dụng phương pháp tài sản. Đến khi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC được ban hành, giá trị phần vốn nhà nước bắt buộc phải được xác định theo ít nhất hai phương pháp và giá trị xác định không được thấp hơn giá trị phương pháp tài sản. Như vậy, trong thời gian tới, ngoài phương pháp tài sản chắc chắn được áp dụng thì phương pháp dòng tiền chiết khấu nhiều khả năng sẽ được lựa chọn với vai trò là phương pháp định giá thứ hai.
                
   

Ông Vũ Minh Đức - KTNN chuyên ngành VI. Ảnh: H.LONG

   
Tuy vậy, các văn bản mới lại không hướng dẫn chi tiết nội dung phương pháp dòng tiền chiết khấu. Thay vào đó, tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Khoản 9 Điều 2 Thông tư số 41/2018/TT-BTC chỉ đưa ra yêu cầu chung đối với các phương pháp xác định giá trị DN phải “thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá”. Điều đó dẫn đến phương pháp định giá nói chung và phương pháp dòng tiền chiết khấu nói riêng sẽ phải tuân thủ các quy định về thẩm định giá. Như vậy, việc kiểm toán công tác định giá bằng phương pháp dòng tiền chiết khấu sẽ đòi hỏi kiểm toán viên và KTNN tìm hiểu và nghiên cứu các quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá, từ đó đánh giá được các rủi ro có sai sót trọng yếu và thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp.

Ông Hà Minh Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib

Vấn đề “nhức nhối” trong CPH DNNN là việc xác định giá trị đất đai và giá trị DN. Theo Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN giai đoạn 2011- 2016, quá trình CPH còn vướng mắc liên quan đến đất đai. Một số DN sử dụng nhiều diện tích đất chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi CPH. Quá trình UBND tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường chậm dẫn đến việc kéo dài thời gian, phải điều chỉnh tiến độ CPH. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.
                
   

Ông Hà Minh Dũng - KTNN chuyên ngành Ib. Ảnh: H.LONG

   
Thực tế cho thấy, thực trạng cơ sở pháp lý của việc xử lý tài chính và định giá đối với đất đai của DN CPH và cơ chế chính sách trong việc xử lý tài chính và định giá đối với DN CPH còn bất cập. Để tránh thất thoát tài sản nhà nước một trong những vấn đề đặt ra là phải tính đầy đủ giá trị lợi thế của đất thuê khi CPH DNNN. Về việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) của đất thuê vào giá trị để CPH DN phải đảm bảo nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường; xây dựng hướng dẫn về phương pháp xác định giá trị giá trị lợi thế về đất không những áp dụng cho DNNN khi CPH mà áp dụng cho các DNNN khi liên doanh, liên kết xác định đúng và đủ lợi thế đất đai mang lại.

Ông Vũ Xuân Tùng- Công ty TNHH kiểm toán AASC

Việc đánh giá tỷ lệ còn lại của tài sản hữu hình và vô hình (không bao gồm giá trị sử dụng đất) là vô cùng khó khăn. Hiện nay chỉ có một số văn bản hướng dẫn việc đánh giá tỷ lệ còn lại của tài sản hữu hình như Phụ lục số 04 - Tiêu chuẩn thẩm định giá số 09 tại Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015. Tuy nhiên, việc áp dụng cứng nhắc khung hướng dẫn này dẫn đến tỷ lệ còn lại của hệ thống tài sản sẽ rất lớn khiến kết quả định giá không phù hợp với thực tế. Khi kết quả định giá quá cao có thể dẫn đến quá trình CPH không thành công. Vì vậy, Bộ Tài chính cần sớm rà soát lại bảng hướng dẫn tỷ lệ phù hợp để đảm bảo cơ sở định giá và phù hợp với thực tế.
                
   

Ông Vũ Xuân Tùng - Công ty TNHH kiểm toán AASC. Ảnh: H.LONG

   
Bên cạnh đó, việc CPH DNNN còn một số vướng mắc như: chưa xác định được giá đất và lợi thế đất đầy đủ trong quá trình xác định giá trị DN; chưa biết thực hiện đánh giá các khoản đầu tư theo tiêu chuẩn định giá hay Nghị định số 126/2017/NĐ-CP là đúng với quy định của pháp luật do trong Nghị định có nêu đến việc xem xét các quy định của luật giá và tiêu chuẩn thẩm định giá. Mặt khác, việc áp dụng giá tham chiếu phiên gần nhất không tính đến giá giao dịch tại ngày gần nhất để xác định. Bên cạnh đó, đối với trường hợp giá thị trường dưới mệnh giá, DN có lãi nhưng giá trị sổ sách còn nhỏ hơn cả giá trị thị trường, khi định giá lại lấy theo giá trị sổ sách là chưa phù hợp. Trong vấn đề định giá tài sản bất động sản đầu tư, dự án dở dang, việc ghi nhận theo giá trị ghi sổ đối với tài sản dở dang và hàng tồn kho đối với một số trường hợp liên quan đến dự án bất động sản cũng sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả định giá DN.

Bà Nguyễn Tuyên Hương - Kế toán trưởng Tập đoàn VNPT

Trong quá trình triển khai CPH, VNPT gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: việc bàn giao 02 cơ sở đất cho UBND TP.Hải Phòng; về trình duyệt phương án sử dụng đất, hình thức thuê đất do Tập đoàn VNPT chưa có phương án sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên đến nay chưa đủ điều kiện để ra quyết định CPH và chưa thể thực hiện được việc xác định giá trị DN; vướng mắc về kiểm kê tài sản chuyên ngành viễn thông; khó khăn về đối chiếu công nợ.
                
   

Bà Nguyễn Tuyên Hương - Tập đoàn VNPT . Ảnh: H.LONG

   
Trong xử lý tài chính, theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC, DN CPH có trách nhiệm xử lý tài chính (trước khi tổ chức tư vấn xác định giá trị DN, trong giai đoạn xác định giá trị DN và giai đoạn chính thức chuyển thành công ty cổ phần) bao gồm: Xử lý tài sản thừa, thiếu; thanh lý, nhượng bán tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý; xử lý các khoản công nợ tồn đọng, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi...

Với đặc thù cung cấp các dịch vụ trả sau, việc thu thập các bằng chứng chứng minh đối với cá nhân chết, bỏ trốn tổ chức giải thể/phá sản… (theo quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính) và đặc biệt việc đối chiếu, xác nhận công nợ với khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ để trích lập dự phòng và xử lý các khoản nợ này rất khó khăn, dẫn đến nợ khó đòi không được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của đơn vị.

Sau khi lắng nghe, ghi nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận, đại diện cho Ban điều hành, Ths. Lê Minh Nam- Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI đã bế mạc Tọa đàm.
                
   

Đại diện Ban điều hành kết luận Tọa đàm. Ảnh: H.LONG

   
Theo đánh giá của ông Lê Minh Nam, các tham luận đã đề cập tương đối toàn diện từ giác độ lý luận, quy định pháp luật cũnh như thực tiễn của chủ đề Tọa đàm. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải tiếp cận các quy định mới, tổ chức và tìm kiếm giải pháp cải thiện hạn chế, tồn tại để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán xác định giá trị DN, đặc biệt trong điều kiện quy định pháp lý có những thay đổi, thực tế thực hiện chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần có nhiều khó khăn, cũng như việc tổ chức thực hiện kiểm toán xác định giá trị DN còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Các giải pháp đề xuất đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu và có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán xác định giá trị DN.

Ths. Lê Minh Nam nhấn mạnh, những ý kiến phát biểu, tham luận tại Tọa đàm sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo lãnh đạo KTNN để xem xét, cho phép sử dụng cho các đối tượng phù hợp. Kết quả của Tọa đàm cũng sẽ được các đơn vị, cá nhân nghiên cứu và vận dụng vào trong quá trình xây dựng nội dung hướng dẫn, thực hiện kiểm toán, biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành.

N.HỒNG - H.THOAN
Cùng chuyên mục
Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trong cổ phần hóa doanh nghiệp