Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp

(BKTO) - Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, vừa diễn ra chiều tối nay (04/4), tại Hà Nội.



                
   

Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tình hình kinh tế - xã hội quý I khởi sắc

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, về công tác phòng chống dịch, các thành viên Chính phủ đánh giá: Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3, cho thấy rõ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch. Số ca mắc mới, tử vong giảm lần lượt 37% và 28% so với tuần trước.

Về phát triển kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, DN và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm.

Đặc biệt, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). DN thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục, 60.000 DN, gấp 3 lần cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79%. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 176,35 tỷ USD (tăng 14,4%); xuất siêu 809 triệu USD. Thu ngân sách quý I đạt 35,5% dự toán, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm phát triển…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro. Áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp...

Quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Người phát ngôn của Chính phủ cho hay, sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, Thủ tướng yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.

Tăng cường phân cấp, phân quyền; kiểm tra, giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát tình hình diễn biến thế giới và trong nước, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế...

Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư các dự án đường cao tốc, đường vành đai quan trọng, kết nối liên vùng.

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN. Hướng dẫn, khuyến khích DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược, đầu vào sản xuất để kịp thời ứng phó, cân đối cung cầu và điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp. Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới.

Khẩn trương nhập khẩu và triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi và nghiên cứu, tham khảo các nước phát triển, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về việc tiêm cho trẻ từ 3-5 tuổi thời gian tới. Tổ chức hình thức dạy học phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; sớm triển khai đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp an toàn. Chuẩn bị tốt cho SEA Games 31…

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi về các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như: Phương án và lộ trình cho học sinh mầm non, tiểu học đến trường; tình hình sản xuất vaccine trong nước; mục tiêu tăng trưởng tín dụng; kết quả điều tra một số vụ việc; giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế thời gian tới…/.
HỒNG NHUNG


Cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp