Theo Chỉ thị, năm học 2021-2022 là năm đầu toàn ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Năm học tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, toàn ngành Giáo dục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.
Các địa phương linh hoạt tổ chức khai giảng. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ dạy, học; rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so năm học 2020-2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi bổ sung theo Thông tư 51/2020/TT-BGDĐT và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”. Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định.
Các đơn vị, địa phương ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo…
Chỉ thị cũng yêu cầu tổ chức phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
NGUYỄN LỘC