Triển khai loạt các giải pháp phát triển thị trường trong nước

(BKTO) - Ngày 5/4, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có Công văn số 319/TTTN-NV gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm triển khai loạt các giải pháp ổn định và phát triển thị trường trong nước.

Quyết tâm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12%

Trước đó, ngày 4/4/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Chỉ thị số 08 nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần bình ổn thị trường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tại Chỉ thị số 08/CT-BC, Bộ Công Thương giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng nhằm quyết tâm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ.

z6476955669890_8895956dd74b7e5fc45499e6e13a8b48.jpg
Quyết tâm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% trong năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ. Ảnh: N.Duyên

Chỉ thị nêu rõ, ba tháng đầu năm 2025, tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Trong nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, kinh tế cả nước tiếp tục đà phục hồi và phát triển, các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại... duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2024 (so với cùng kỳ năm trước, trong 02 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 21,7%, đầu tư nước ngoài tăng 35,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 32,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,4%). Mặc dù nền kinh tế đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 12%, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ các tháng đầu năm chưa đạt mức kỳ vọng và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thị trường nước ngoài, các chính sách bảo hộ của các nước lớn trên thế giới.

Để phấn đấu đạt được mục tiêu Chính phủ giao về tăng trưởng thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong nước, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng tiếp tục tích cực thực hiện loạt các nhiệm vụ, giải pháp.

Đối với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị này cần: Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng dụng chính sách bảo hộ. Đẩy mạnh triển khai các đề án, chương trình mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được phê duyệt. Tổ chức hội nghị về giải pháp phát triển thị trường trong nước nhằm đánh giá tình hình, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương và doanh nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu (nhất là việc dự trữ lưu thông, thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, kế hoạch sản xuất đã đăng ký...); có kế hoạch bảo đảm đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu liên tục, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phục vụ phát triển kinh tế. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thiết kế, xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm trên phạm vi toàn quốc, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt vào các dịp tiêu dùng thấp điểm giữa năm.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Chủ động nghiên cứu, xây dựng chính sách để phát triển các hạ tầng thương mại như trung tâm logistics, outlet. Chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là trong các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm tránh việc lợi dụng các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử.

Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường

Ngay sau đó, ngày 5/4, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã có Công văn số 319/TTTN-NV ngày 05 tháng 4 năm 2025 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Chỉ thị này.

Cùng với đó, trước tình thị trường có thể có những biến động khó dự đoán, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thị trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng nội dung kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định về an toàn thực phẩm... phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạmtheo quy định của pháp luật, đặc biệt là các hành vi về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá hàng hóa dịch vụ; hành vi vi phạm trong hoạt động xúc tiến thương mại, hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm đảm bảo ổn định thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Kế hoạch, dự kiến trong tháng 4/2025, Bộ Công Thương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tổ chức các hội nghị và làm việc trực tiếp với các Sở Công Thương để nắm tình hình, thống nhất kế hoạch và triển khai các hoạt động để thực hiện tốt Chỉ thị số 08/CT-BCT.

Cùng chuyên mục
Triển khai loạt các giải pháp phát triển thị trường trong nước