Triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

(BKTO) - Hiện nay, Hà Nội đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách; hỗ trợ trên 47 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho gần 607 nghìn lao động, hỗ trợ hơn 3 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn đi học...

vna_potal_ha_noi_chat_luong_tin_dung_chinh_sach_o_huyen_my_duc_duoc_nang_cao_nho_phoi_hop_tot_voi_cac_cap_uy_dang_chinh_quyen_hoi_doan_the_stand.jpg
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: TTXVN

Bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững

Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 17 huyện, 1 thị xã và 12 quận với 579 xã, phường, thị trấn, dân số gần 8,5 triệu người. Đến cuối năm 2023, toàn Thành phố có 690 hộ nghèo, tỷ lệ 0,03% và 15.835 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,7%, trong đó có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo và 05 quận không còn hộ cận nghèo. Đến tháng 4/2024, thị xã Sơn Tây không còn hộ nghèo.

Bám sát quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng” cũng như Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng giai đoạn, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách gắn với việc thực hiện các Chương trình, mục tiêu, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong từng năm, từng giai đoạn về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, chỉ đạo đưa giải pháp về bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển của Hà Nội trong từng giai đoạn.

Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội đạt 16.018 tỷ đồng với trên 273 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 11.297 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị; tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 13%; tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thành phố đạt 9.421 tỷ đồng, tăng 8.324 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị và chiếm tỷ trọng 59% trên tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 47 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho gần 607 nghìn lao động, hỗ trợ hơn 3 nghìn học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua 255 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng gần 548 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 4,6 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 893 căn nhà ở xã hội, 262 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 29 nghìn người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,21% (giai đoạn 2016-2021) và từ 0,16% xuống còn 0,03% thời điểm cuối năm 2023 (giai đoạn 2022-2024).

Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố.

Đồng thời, góp phần cùng Thành phố thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, các sản phẩm dịch vụ OCOP, đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố trong từng giai đoạn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn gắn với tập trung các nguồn lực từ ngân sách Thành phố và quận, huyện, thị xã để tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững cho hoạt động của NHCSXH, mở rộng đối tượng thụ hưởng đặc thù của Thành phố để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

NHCSXH Thành phố phát động thi đua tới toàn thể cán bộ, nhân viên người lao động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung đôn đốc các đơn vị giải ngân nguồn vốn tăng trưởng và vốn thu hồi, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2024.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ xử lý các món vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan trình các cấp có thẩm quyền theo quy định và triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch xã. Tổ chức tập huấn cho cán bộ NHCSXH, cán bộ phối hợp; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội trên báo, đài, cổng thông tin điện tử và công khai tại điểm giao dịch xã.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, của Chủ tịch UBND cấp xã, của các tổ chức chính trị - xã hội phải tăng cường hơn nữa để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, vận động, bình xét đối tượng vay vốn đoàn viên, hội viên trong việc vay vốn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội.

UBND Thành phố trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của thành phố hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội thành phố cho người dân vay vốn. Các cấp, các ngành, các tổ chức và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và trong từng giai đoạn; đưa nội dung triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí nguồn lực tại địa phương, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn./.

Cùng chuyên mục
Triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội