Doanh thu du lịch được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh
Chỉ tiêu về doanh thu được các DN kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024 với 92,9% DN lựa chọn. Tiếp đến là các chỉ tiêu lợi nhuận và lượt khách cũng được các DN nhận định sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới với 85,7% DN lựa chọn.
Các chuyên gia được mời tham gia khảo sát, phỏng vấn của Vietnam Report cho rằng, sự tự tin vào triển vọng tăng trưởng của ngành du lịch trong năm tới của các DN là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ ngày 15/8/2023, chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách một số nước được miễn visa lên đến 45 ngày. Không nằm ngoài sự kỳ vọng, chính sách nới lỏng visa đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi 4 tháng liên tiếp số lượng khách quốc tế đã đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu. Việt Nam đang hy vọng sẽ đón 1 triệu lượt khách quốc tế trong tháng cuối của năm 2023 để cả năm đạt mục tiêu đón 12,5-13 triệu lượt khách - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Năm 2023, có 78,6% DN du lịch, khách sạn ghi nhận doanh thu tăng lên so với năm 2022, trong đó 14,3% DN có mức tăng trưởng đáng kể; 71,4% DN ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận, nếu xét riêng nhóm kinh doanh khách sạn thì có tới 85,7% DN ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2022.
Ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report - chia sẻ, chính sách visa mới tiếp tục được 92,9% DN tham gia khảo sát coi là “đòn bẩy” giúp du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến, hội chợ triển lãm quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong năm 2024 tiếp tục được 57,1% DN nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn cho DN. Kết quả này được củng cố thêm khi 85,7% DN đề xuất với Chính phủ cần đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm về du lịch. Trong bối cảnh ngành du lịch toàn thế giới đang sắp xếp lại trật tự, hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi rõ rệt, nếu Việt Nam có thể gây ấn tượng với du khách trong thời gian này thì sẽ nắm lợi thế trong tương lai.
Hơn nữa, Việt Nam cũng đang dần chuyển động theo hướng phát triển du lịch bền vững. PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, phát triển du lịch bền vững đang được đề cập đến nhiều hơn, từ cả phía DN và du khách. Thị trường này đang trên đà tăng trưởng khi kết quả khảo sát người tiêu dùng về xu hướng du lịch năm 2023 cho thấy, có đến 96,7% người tiêu dùng trả lời đã từng nghe về du lịch bền vững, trong khi con số này năm 2022 là 75,3%. Thêm dẫn chứng, ông Phùng Hoàng Cơ nêu rõ, trong 11 tháng năm 2023, số lượt tìm kiếm về hai điểm đến Ninh Bình và Hội An đã tăng đột biến so với năm 2022, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với trải nghiệm du lịch xanh. Những điểm đến này được ưa chuộng bởi vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, chỗ ở thân thiện với môi trường, du khách được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản xứ và sự hỗ trợ của các sáng kiến phát triển du lịch bền vững.
Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và lợi thế
Kết quả đáng chú ý khác, dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn trong năm 2024, nhưng du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ để giảm những ảnh hưởng có hại đến thiên nhiên, di sản văn hóa địa phương. Cụ thể, có đến 78,7% du khách sẵn sàng chi trả thêm cho dịch vụ lưu trú, 75,4% cho dịch vụ tham quan và 73,8% cho dịch vụ ăn uống. Trong đó, du khách đặc biệt quan tâm đến các cơ sở lưu trú được cấp nhãn Du lịch bền vững Bông Sen Xanh, các cơ sở lưu trú có các chương trình hay quỹ liên quan đến trách nhiệm xã hội cũng nhận được lượng đặt phòng tăng vọt trong năm.
Nhiều khách sạn tên tuổi ở Việt Nam nhận định, du khách Việt đang có cách nhìn nhận tích cực hơn, có ý thức phát triển du lịch bền vững; bản thân các khách sạn cũng tích cực đưa ra các chính sách bảo vệ, duy trì vùng biển, bãi cát và cảnh quan tự nhiên. Nhiều khách sạn đã sử dụng hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo chất lượng...
Cộng đồng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tham gia tích cực vào xu hướng phát triển du lịch bền vững khi ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội..., qua đó, kết hợp giữa thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Theo chia sẻ của các DN ngành du lịch, khách sạn được khảo sát, 5 chiến lược trọng tâm của các DN trong thời gian tới gồm: Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp thị bán hàng; nâng cao hình ảnh DN, đẩy mạnh marketing trên Facebook, website…; tăng cường quản lý rủi ro; khai thác thị trường du lịch nước ngoài và cải thiện cơ cấu chi phí. Còn dẫn đầu trong số các kiến nghị của DN ngành du lịch, khách sạn Việt Nam đề xuất với Chính phủ chính là tiếp tục hoàn thiện chính sách nhập cảnh, xuất cảnh cho khách du lịch quốc tế và mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực với 92,9% DN lựa chọn./.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200km, với hệ sinh thái động, thực vật tự nhiên phong phú. Nước ta còn sở hữu 28 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh, hơn 40.000 di tích được kiểm kê cùng gần 63.000 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Để trở thành tâm điểm du lịch của Đông Nam Á, ngoài nội lực của chính DN, cần phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ.