Có cơ sở tạo động lựctăng trưởng
Dự báo trên được đưa ra khi các chuyên gia của NCIF nghiên cứu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang nhận được những tác động tích cực từ các nền kinh tế chủ chốt của thế giới cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu khả quan hơn. Theo Ban phân tích và Dự báo của NCIF, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế, chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong những tháng cuối năm; hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của DN Việt Nam, qua đó thúc đẩy vốn đầu tư cho nền kinh tế cao hơn so với năm 2016…
Bên cạnh những yếu tố nền tảng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2017, các chuyên gia còn phân tích, kinh tế trong nước đã có chuyển biến tích cực hơn từ giữa quý II/2017. Mặc dù khu vực công nghiệp và xây dựng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng sẽ đạt mức tăng khá với những nỗ lực đảm bảo tăng trưởng của Chính phủ. Trong cuộc họp tìm giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế diễn ra ngày 01/6, lãnh đạo Chính phủ đã bàn đến kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực khai khoáng, chế biến chế tạo. Cụ thể, ngành Dầu khí sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt thêm 1 triệu tấn và 1 tỷ m3 khí, qua đó đưa tổng mức khai thác dự kiến trong năm 2017 lên 15,2 triệu tấn và 10,6 tỷ m3 khí. Điều này dự kiến sẽ đóng góp thêm 0,25% vào GDP.
Khu vực dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn so với cùng kỳ trong nửa cuối của năm 2017 khi tiêu dùng có xu hướng cải thiện và các dịch vụ du lịch có triển vọng phát triển tốt hơn. Khu vực nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục phục hồi, tuy nhiên cũng cần đẩy mạnh hơn các giải pháp để giải quyết vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Theo đó, tăng trưởng toàn nền kinh tế có thể đạt mức khá khi cả 3 động lực chính của tăng trưởng là khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cùng được cải thiện.
Kỳ vọng nhiều hơn vào FDIvà tiêu dùng trong nước
Một điểm đáng chú ý, trong nửa cuối năm 2017, vốn FDI được dự báo sẽ đạt nhiều kết quả tích cực nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực của nền kinh tế như: môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực.
Kèm theo đó là sự đánh giá tích cực của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 11/4, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu. Báo cáo ngày 18/5 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự đoán Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng dự kiến là 6,3% trong năm 2017.
Việt Nam đang tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. Con số dự báo được đưa ra là vốn FDI thực hiện năm 2017 sẽ duy trì mức tăng trưởng khá và đạt khoảng 15,3 tỷ USD. Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2017.
Tăng trưởng tiêu dùng cũng được dự báo tương đối sáng sủa trong những tháng cuối năm. Rủi ro tác động xấu đến tiêu dùng chỉ có yếu tố giá cả khi áp lực tăng giá còn hiện hữu, nhưng tiêu dùng cuối cùng vẫn được dự báo tăng 7,7% năm 2017 so với năm 2016.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Những thách thức đến từ bên ngoài do bất ổn địa chính trị thế giới, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, việc Mỹ rút ra khỏi TPP và vấn đề chính trị hóa vốn đầu tư của Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và thu hút FDI của Việt Nam.
HỒNG THOAN
Theo tuần Báo ra ngày 13-7-2017