Trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn viện trợ nước ngoài

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, UBTVQH khẳng định, việc xem xét, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội.



Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 15/3, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự phiên họp.

Bổ sung vào dự toán để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện ngân sách nhà nước

Tại phiên họp, Chính phủ trình UBTVQH xem xét việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương (NSTW) nguồn vốn viện trợ của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 số tiền 1.431,387 tỷ đồng. Đây là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan Trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

   
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý; không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi NSNN để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán NSNN năm 2021 theo quy định của Luật NSNN .

Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, theo Tờ trình của Chính phủ, khoản viện trợ 1.431,387 tỷ đồng là khoản viện trợ phát sinh trong năm đã được các Bộ, cơ quan Trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 181/BC-KTNN ngày 08/7/2021 của KTNN, một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các Bộ, cơ quan Trung ương tiếp nhận song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời 1.626,3 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ số chênh lệch 195 tỷ đồng giữa Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của KTNN.

Phát biểu làm rõ nội dung này tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, khi kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019, KTNN thấy rằng khoản này chưa được Quốc hội phê duyệt dự toán nên KTNN đề xuất Chính phủ trình UBTVQH xem xét để bổ sung dự toán đối với khoản này.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

   

Ngoài đề xuất bổ sung khoản viện trợ trên, Chính phủ cũng đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung dự toán thu, chi NSTW nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi NSNN để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện NSNN năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật NSNN. Đa số ý kiến đề nghị trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu chi nguồn vốn này trong năm 2021 bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền theo quy định của Luật NSNN.

Bảo đảm đúng thẩm quyền

Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ nêu trên vì tại khoản 4, Điều 19 của Luật NSNN quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán NSNN hằng năm. Do vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán. Việc Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của UBTVQH là chưa phù hợp quy định của Luật NSNN.                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

   
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, UBTVQH chỉ có thẩm quyền quyết định đối với khoản tăng thu hàng năm so với dự toán NSNN đã được giao, chứ không có quyền quyết định bổ sung dự toán NSNN để đưa vào quyết toán thu, chi NSNN.

Về đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hồ sơ của Chính phủ chưa đủ điều kiện để xem xét và còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, bổ sung, làm rõ khoản nào là khoản viện trợ phát sinh thường xuyên theo quy định của Luật NSNN, khoản nào là khoản đột xuất phát sinh? Đồng thời, cần cụ thể các nội dung chi cho các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay KTNN đang triển khai cuộc kiểm chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, do vậy số liệu báo cáo của Chính phủ cần thống nhất với số liệu của KTNN.

Chính phủ cần có báo cáo tổng hợp về vấn đề này, trong đó xác định rõ cái nào chi vào nguồn nào. Cụ thể, các khoản viện trợ không hoàn lại cho vắc xin là bao nhiêu, vật tư, thiết bị y tế là bao nhiêu; viện trợ theo cơ chế Covax là bao nhiêu; các Chính phủ khác viện trợ như thế nào; nguồn NSNN chi mua vắc xin là bao nhiêu...” - Chủ tịch Quốc hội gợi ý
         
Báo cáo UBTVQH, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, đối với cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động và quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, KTNN đã triển khai cuộc kiểm toán này từ ngày 16/2. Theo kế hoạch, KTNN sẽ kiểm toán tại 9 Bộ, ngành và 32 địa phương. Đối với những địa phương không thực hiện kiểm toán thì KTNN cũng có số liệu tổng hợp để báo cáo Quốc hội, UBTVQH về tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất về việc bổ sung dự toán NSNN vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán NSNN vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán NSNN. Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến tham gia của UBTVQH để tiếp tục hoàn thành tờ trình báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại; rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, chậm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi NSNN.

Đồng thời, Chính phủ khẩn trương cập nhật, rà soát chính xác số liệu để trình Quốc hộixem xét, quyết định; thống nhất số liệu với KTNN, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch theo các quy định.

Đối với Tờ trình về việc bổ sung 1.431,387 tỷ đồng dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên năm 2020), UBTVQH yêu cầu Chính phủ rà soát số liệu và thống nhất với KTNN hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán thu chi, phân bổ chi tiết cho Bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.

Đối với Tờ trình về việc bổ sung 4.217,777 tỷ đồng dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ cũng phải rà soát, tổng hợp đầy đủ số liệu, thống nhất với KTNN hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo lại với UBTVQH xem xét bổ sung dự toán phân bổ chi tiết cho Bộ, ngành, địa phương, thời gian trình chậm nhất là trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn viện trợ nước ngoài