Truy xuất nguồn gốc hàng hóa tạo thuận lợi cho thương mại

(BKTO) - Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội được đánh giá là hết sức thiết thực, ý nghĩa, giúp DN Việt Nam nâng cao nhận thức về ứng dụng các công cụ hiện đại để sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được tình hình thực tế, nhu cầu của DN về hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ đó có hình thức quản lý phù hợp.



Truy xuất nguồn gốc -nhất cử ­lưỡng tiện

Phát biểu trước hơn 400 đại biểu đến từ các Bộ, ngành hữu quan, các DN, hiệp hội ngành hàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN và hoạt động tiêu dùng của toàn xã hội. Việc DN đáp ứng những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc sẽ giúp đẩy mạnh giá trị các mặt hàng xuất khẩu. “Khi vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá được xây dựng thành nề nếp, có sự quản lý tốt thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ được giải quyết và tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ blockchain cũng như hình thành hàng loạt các công nghệ ứng dụng khác” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã và đang góp phần thay đổi toàn diện tư duy quản lý trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, truy xuất nguồn gốc vẫn còn mới mẻ, không ít DN và người tiêu dùng chưa hiểu hết ý nghĩa, bản chất của việc làm này. Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng đưa ra các điều kiện khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa như: EU, Australia, New Zealand, thậm chí gần đây, Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu mới về việc hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải có thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Thực tế này đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc đối với hàng hoá nội địa và xuất khẩu; chia sẻ thực tế ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các DN. “Hội thảo cũng góp phần thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa nhà quản lý - DN - người sản xuất - người tiêu thụ, qua đó tìm ra hướng hỗ trợ và định hướng cho các DN đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao” - ông Trần Thanh Hải (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) nêu rõ.

Thách thức lớn đối với doanh nghiệp

Một thách thức lớn đặt ra là các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin trong suốt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quy trình truy xuất nguồn gốc mới là yếu tố đảm bảo cho sự thành công và tin cậy của một hệ thống.

Chia sẻ kinh nghiệm của Australia, bà Amy Guihot - Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam - cho biết, với những DN chế biến thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc phải xác định được xuất xứ tất cả nguyên liệu đầu vào của thực phẩm như: nguyên liệu, chất phụ gia, các thành phần khác, quy cách đóng gói… Kèm theo đó là tên và địa chỉ của nhà cung cấp, khách hàng; ngày giao dịch và giao hàng; chi tiết lô hàng; khối lượng, số lượng của sản phẩm khi giao hàng và bất kỳ hồ sơ sản xuất nào khác có liên quan.

Từ phía DN Việt Nam, bà Đặng Thị Phương Ninh - Tổng Giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC) - cho biết, với COFIDEC, việc truy xuất nguồn gốc luôn được thực hiện nghiêm túc đối với 100% khách hàng nhập khẩu. Trong đó, COFIDEC đã đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử với sản phẩm cà tím chế biến xuất khẩu. Nhờ vậy, COFIDEC dần đạt được sự tín nhiệm và trung thành từ các khách hàng lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Dự kiến, Công ty sẽ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho toàn bộ chuỗi cung ứng của các sản phẩm xuất khẩu trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các chuyên gia còn chỉ ra rằng, vấn đề hiện nay là tính trung thực của dữ liệu vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân là do thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời, cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là cả khách hàng nhập khẩu và DN trong nước phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí để kiểm soát.

Ông Lê Đại Dương - Giám đốc Công ty iShopgo - cho rằng, truy xuất nguồn gốc không phải dán tem đơn thuần mà cần phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm, phải hỗ trợ được giao thương, xuất nhập khẩu và phải tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang lưu thông trên thị trường.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Phân rõ trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhiều Bộ, ngành, địa phương ngại trách nhiệm, đùn đẩy việc lên Chính phủ; cơ cấu bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả, làm giảm năng lực điều hành của bộ máy quản lý nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế... là những vấn đề gây bức xúc, được nhiều đại biểu đề cập khi thảo luận về sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP).
  • Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc điều động sang công tác tại các hội… là một số đối tượng tinh giản được bổ sung theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định 113) vừa được Chính phủ ban hành.
  • Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) chính là cơ hội vàng để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên về phát triển công nghệ, kinh tế. Đây là thông điệp chứa đầy kỳ vọng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chuyển tải tại cuộc họp báo giới thiệu Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam vừa qua, tại Hà Nội.
  • Đón đầu Luật Quy hoạch có hiệu lực từ năm 2019
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) được đánh giá là công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Để đón đầu Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đang tích cực triển khai hoàn thiện khung khổ pháp lý dưới luật.
  • Kết nối Cơ chế một cửa quốc gia: Khẩn trương tăng tốc để hoàn thành mục tiêu!
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thời gian qua, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các cơ chế này vẫn còn chậm và bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi các Bộ, ngành cần phải tăng tốc để hoàn thành mục tiêu cũng như yêu cầu mà Chính phủ đặt ra.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa tạo thuận lợi cho thương mại