Thông tin y tế chính thống chiếm ưu thế chủ đạo
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ Hội nghị công tác truyền thông khu vực phía Bắc năm 2024, nhằm đánh giá những kết quả truyền thông đã đạt được, định hướng chiến lược mới trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác truyền thông y tế trong thời kỳ chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, thực hiện Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2024, thời gian qua, công tác truyền thông y tế đã được đẩy mạnh, tăng cường; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế được thông tin kịp thời đến người dân, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với các hoạt động của ngành Y tế.
Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai truyền thông quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là truyền thông về những nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm thuốc, vật tư y tế, mua vắc xin tiêm chủng mở rộng, giải ngân vốn đầu tư công và chuyển đổi số lĩnh vực y tế;
Đồng thời, chủ động định hướng cung cấp thông tin các cơ quan báo chí đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin tình hình, các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, mô hình bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa và thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe.
Ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe Trung ương cũng nhấn mạnh đến xu hướng truyền thông tiếp thị tích hợp trong dịch vụ y tế như: Quảng cáo, tiếp thị trực tiếp, xúc tiến bán hàng, bán hàng cá nhân, quan hệ công chúng, tiếp thị kỹ thuật số và sự phát triển của công nghệ số mở ra nhiều kênh truyền thông mới và hiệu quả.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, truyền thông y tế luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phổ biến kiến thức để người dân thay đổi các hành vi có lợi cho sức khoẻ, chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khoẻ. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng và đóng góp của công tác truyền thông y tế.
“Trong những năm qua, truyền thông y tế đã khẳng định vai trò trong định hướng thông tin, những thông tin y tế chính thống đã chiếm ưu thế chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội. Chính bởi sự minh bạch hóa và chủ động cung cấp thông tin đã khẳng định vai trò to lớn của truyền thông y tế, nhờ đó đã tạo dựng niềm tin sâu sắc, sự đồng thuận của nhân dân với ngành Y tế và nâng cao uy tín, vị thế của y tế Việt Nam đối với dư luận quốc tế” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá.
Theo Thứ trưởng, qua Báo cáo tổng kết năm của các tỉnh thời gian qua cho thấy, công tác truyền thông được thực hiện tốt. Hầu hết các nội dung trọng tâm trong định hướng truyền thông của Bộ Y tế cũng như của tỉnh được chuyển tải tối đa đến các cấp lãnh đạo và người dân thông qua kênh truyền thông truyền thống và kênh truyền thông hiện đại; đặc biệt là đẩy mạnh và tích hợp truyền thông số một cách mạnh mẽ ở tất cả các tuyến. Công tác truyền thông được tăng cường, giúp người dân hiểu rõ hơn, đồng thuận, cảm thông và chia sẻ cùng với ngành Y tế.
Mỗi cán bộ y tế sẽ là cán bộ truyền thông giỏi, là chiến sỹ thông tin
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục chú trọng và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực truyền thông y tế; tăng cường, nêu cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu các đơn vị trong công tác truyền thông y tế; phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách y tế để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư kinh phí trong triển khai truyền thông y tế, có chính sách đãi ngộ hợp lý cho lực lượng thực hiện công tác truyền thông y tế tại tuyến cơ sở. Đồng thời động viên, khích lệ tinh thần và có các hình thức khen thưởng đối với cán bộ có thành tích cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền thông y tế;
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục xây dựng, củng cố mạng lưới truyền thông y tế rộng khắp, lan toả từ Trung ương đến địa phương; chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin y tế giữa các cấp, các ngành; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung truyền thông và đa dạng, đổi mới phương thức, cách thức truyền thông, ứng dụng truyền thông số, truyền thông mới trong các hoạt động truyền thông chính sách nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý và cung cấp thông tin;
Bên cạnh đó, phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành; các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng cường truyền thông chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, tập trung truyền thông các thành tựu, chính sách nổi bật của ngành Y tế; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác tới người dân;
“Mỗi cán bộ y tế sẽ là cán bộ truyền thông giỏi, là chiến sỹ thông tin, lan tỏa những thành tựu tích cực của ngành Y tế, từ đó tạo sự đồng thuận, cảm thông, ủng hộ, chia sẻ của dư luận xã hội, của người dân, cộng đồng đối với các hoạt động của ngành” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ngày 26/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã ra mắt Mạng lưới truyền thông ngành Y tế - một nền tảng kết nối toàn quốc nhằm tối ưu hóa việc cung cấp thông tin y tế kịp thời, chính xác, đồng bộ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Với quy mô 1.500 đầu mối truyền thông từ Trung ương xuống địa phương và đang tiếp tục được bao phủ toàn quốc, sự ra đời của Mạng lưới truyền thông giúp cho việc đảm bảo thông tin y tế được truyền tải nhanh chóng và chính xác tới người dân, cộng đồng.