'Từ khóa' với các doanh nghiệp để ASEAN đón đầu công nghệ mới nổi

(BKTO) - Phát biểu tại Tọa đàm "ASEAN đón đầu tương lai, làm chủ công nghệ mới nổi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Từ khóa của tôi là doanh nghiệp phải tiên phong trong tất cả các lĩnh vực liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ASEAN đón đầu công nghệ mới nổi".

12.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thủ tướng nêu rõ, ASEAN cần sự quyết tâm của các quốc gia thành viên, phải có quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt để nắm bắt xu thế công nghệ mới. Ảnh: CP

Trưa 26/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Tọa đàm theo hình thức ăn trưa, làm việc về khai thác sức mạnh của công nghệ mới nổi, với chủ đề "ASEAN đón đầu tương lai, làm chủ công nghệ mới nổi". Đây là Tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 năm 2025, được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cơ hội và thách thức của ASEAN trong thời đại công nghệ mới

Tại cuộc Tọa đàm, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho biết, New Zealand có tiềm năng, thế mạnh và mong muốn, sẵn sàng hợp tác với các nước, doanh nghiệp ASEAN về trí tuệ nhân tạo, công nghiệp vũ trụ, nông nghiệp, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu…

Chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ, là quốc gia có lịch sử phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài chính, Vương quốc Anh sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với các nước ASEAN trong lĩnh vực này.

Các đại biểu chia sẻ nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực như: Hợp tác công tư trong công nghệ giảm phát thải; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực bán dẫn cho ASEAN trong kỷ nguyên công nghệ; phát triển hệ sinh thái AI của ASEAN; hướng tới ASEAN thống nhất về định danh số; đầu tư cho AI, bán dẫn và cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN; phát triển hạ tầng số thông minh và những khuyến nghị cho ASEAN; thúc đẩy dịch vụ và tài chính bao trùm trong ASEAN; giải pháp số vì phát triển bền vững…

Cuộc làm việc đã phác họa bức tranh toàn cảnh về cơ hội và thách thức của ASEAN trong thời đại công nghệ mới, nhất là về phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực, ứng dụng AI và điện toán đám mây; thúc đẩy tài chính số bao trùm, chuyển đổi năng lượng sạch. Đặc biệt, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và giải pháp thiết thực, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và tầm nhìn chiến lược, hướng tới một ASEAN đổi mới sáng tạo và bền vững…

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết Grab là một trong những nền tảng số tiên phong, góp phần tạo nên một môi trường công nghệ năng động của Việt Nam như hiện nay; đánh giá kinh tế nền tảng tại Việt Nam có thể tiếp tục là động lực quan trọng giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo; khẳng định tầm nhìn dài hạn của Grab tại Việt Nam luôn là đổi mới, tăng trưởng bền vững và tạo ra những tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Ông Alejandro Osorio cho rằng, để khai thác toàn bộ tiềm năng công nghệ số của ASEAN, cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng là khai thác các công nghệ mới, tham vấn trong xây dựng chính sách, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm trong khi vẫn bảo đảm an ninh mạng và cạnh tranh công bằng.

13.png
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: CP

ASEAN cần quyết tâm để nắm bắt xu thế công nghệ mới

Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các ý kiến; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt công nghệ mới, với Việt Nam thì đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.

Đánh giá về ASEAN, Thủ tướng nêu rõ đây là một khối thống nhất, đoàn kết; khu vực ổn định, năng động nhất thế giới về phát triển kinh tế; là tâm điểm của tăng trưởng; có dân số đông; các doanh nghiệp rất năng động và sáng tạo. Đây là những lợi thế của ASEAN, bên cạnh đó có rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải giải quyết.

Đặt vấn đề "ASEAN phải làm gì", Thủ tướng nêu rõ, ASEAN cần sự quyết tâm của các quốc gia thành viên, phải có quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt để nắm bắt xu thế công nghệ mới.

Thứ hai, ASEAN cần hài hòa hóa thể chế, kết nối thể chế giữa các nước, tạo thể chế thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân, giảm chi phí tuân thủ.

Thứ ba, ASEAN cần công nghệ mới với sự giúp đỡ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm cả chuyển giao công nghệ chứ không chỉ bán sản phẩm.

Thứ tư, ASEAN cần nguồn nhân lực chất lượng cao, không có nhân lực không làm được. Từ nay tới 2030, Việt Nam phấn đấu có 100.000 kỹ sư trong các công nghệ mới.

Thứ năm, ASEAN cần phát triển hạ tầng công nghệ mới;

Thứ sáu, quản trị thông minh với các công nghệ mới, vì công nghệ mới cũng có mặt trái.

Về vấn đề "ai làm", Thủ tướng cho rằng Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải tiên phong, nhân dân là nền tảng và sức mạnh; vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử; như thế mới có thể phát triển bền vững.

Thủ tướng mong các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vì số hóa đã tới mọi ngõ ngách của cuộc sống.

"Từ khóa của tôi là doanh nghiệp phải tiên phong trong tất cả các lĩnh vực liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ASEAN đón đầu công nghệ mới nổi. Đây là gửi gắm của tôi với các doanh nghiệp ASEAN nói chung cũng như các doanh nghiệp trên toàn thế giới tới đầu tư, kinh doanh, phát triển tại ASEAN" - Thủ tướng nói.

Một lần nữa, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn các nhà lãnh đạo đã tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã dành thời gian, công sức tới Việt Nam, thể hiện tình cảm, sự ủng hộ, chia sẻ tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp và các lời khuyên bổ ích, có tính khả thi cao. "Chúng ta cùng nhau làm, cùng nhau hưởng, cùng nhau phát triển, cùng nhau chiến thắng" - Thủ tướng nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
  • Các nước phải có thực lực để tự chủ chiến lược
    2 tháng trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp này khi cùng các nhà lãnh đạo các nước dự Phiên Toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025, sáng 26/02, tại Hà Nội. Tại đây, Thủ tướng đã chia sẻ về nhiều vấn đề mang tính chiến lược với ASEAN và thế giới như tự chủ chiến lược, duy trì trật tự dựa trên luật lệ, ứng phó các thách thức liên quan biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, cũng như vai trò, đóng góp của Việt Nam.
  • Timor-Leste coi Việt Nam là hình mẫu xây dựng và phát triển đất nước
    2 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 25/02, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta nhân dịp Tổng thống tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 tại Hà Nội (từ ngày 25-26/02/2025).
  • 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động để xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường
    2 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 25/02, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN (ASEAN Future Forum - AFF) lần thứ 2 năm 2025 với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm, và tự cường trong một thế giới biến động".
  • Phòng, chống lãng phí phải như "cơm ăn, nước uống hàng ngày"
    2 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hàng ngày".
  • Khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Malaysia
    2 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và tiến tới thiết lập các cơ chế mới, phù hợp với nhu cầu hợp tác giữa hai nước; khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác khác...
'Từ khóa' với các doanh nghiệp để ASEAN đón đầu công nghệ mới nổi