Từ ngày 01/01/2028, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

(BKTO) - Chiều 15/9, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã Họp báo chuyên đề Giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm.



                
   

Quang cảnh Họp báo. Ảnh: Thùy Anh

   

Tại cuộc Họp báo, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm - đã giới thiệu những điểm mới của Luật.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Luật này là doanh nghiệp (DN) bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về việc DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây:

Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: Mua cổ phiếu của DN kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.

Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Theo quy định hiện hành, khoản 2 Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, DN bảo hiểm chỉ được sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư vào các lĩnh vực tại Việt Nam như sau: Mua trái phiếu chính phủ; mua cổ phiếu, trái phiếu DN; kinh doanh bất động sản…

Như vậy, từ ngày 01/01/2028, các DN bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp được pháp luật quy định (như nêu trên).

Ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm, thông qua nắm bắt từ xa (qua báo cáo tài chính) hoặc kiểm tra tại chỗ, nếu DN bảo hiểm đầu tư bất động sản sẽ có biện pháp để phát hiện và xử lý…

Đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết thêm: Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý DN, cho phép xác định vốn và quản lý DN theo rủi ro đặc thù của từng DN, không cào bằng như trước đây. Điều này tạo điều kiện cho các DN có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các DN có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro…

Đáng chú ý, Luật đã bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc, như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của DN môi giới bảo hiểm.

Đồng thời, bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của DN bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm; bổ sungyêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về DN bảo hiểm rõ ràng, minh bạch…/.
         
Luật Kinh doanh bảo hiểm gồm 7 chương, 157 điều, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Riêng khoản 3 và khoản 4 Điều 99 có hiệu lực từ ngày 01/01/2028. Đây là văn bản pháp lý quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới cho thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.
THÙY ANH



Cùng chuyên mục
Từ ngày 01/01/2028, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản