Tỷ giá năm 2025 có tiếp tục chịu nhiều áp lực?

(BKTO) - 2024 là năm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng trước những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá nói riêng. Tỷ giá năm 2024 đã liên tục có những biến động với nhiều kỷ lục mới được thiết lập. Xu hướng này liệu có tiếp diễn mạnh mẽ hơn trong năm 2025?

ty-gia.jpg
Năm 2024, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Ảnh minh họa. 

Linh hoạt điều hành trước áp lực tỷ giá

Chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng chịu tác động rất lớn từ những biến số vĩ mô của nền kinh tế trong nước và thế giới. Đặc biệt, “đồng USD tương đối mạnh trong cả năm, gây sức ép lên lãi suất, tỷ giá. Lãi suất của chúng ta thấp hơn lãi suất USD nên sức ép tăng lãi suất, tỷ giá rất lớn. Đây là những yếu tố gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2024” - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh trao đổi với Báo Kiểm toán.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, một trong những thách thức lớn của NHNN là làm sao phải vừa ổn định được tỷ giá vừa giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng 

Nhìn lại năm 2024, tỷ giá đã có những thời điểm “nổi sóng”. Sự “nổi sóng” này bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài sang tháng 5, khi chỉ số DXY tăng lên mức 105-106, kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ (VND/USD) trên thị trường liên ngân hàng tăng gần 5% so với đầu năm. Để ổn định thị trường, NHNN đã phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ.

Sang quý III, tỷ giá trở lại mức thấp nhất của quý I nhưng lại bất ngờ tăng mạnh vào quý IV, đặc biệt trong hai tuần cuối năm. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố ngày 30/12 đạt 24.327 VND/USD, tăng 2,01% so với đầu năm 2024. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được thiết lập năm 2016.

Với biên độ giao dịch tại các ngân hàng thương mại là +/-5%, tỷ giá trần là 25.543 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.111 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng tăng mạnh vào phiên sáng 30/12, chạm ngưỡng 25.850 VND/USD, tăng 6,16% so với đầu năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá cuối phiên ngày 30/12 đạt mức 25.485 VND/USD, tăng 35 đồng so với phiên cuối tuần trước (tăng 0,14%), đồng thời vượt ngưỡng bán USD can thiệp tỷ giá của NHNN (25.450 VND/USD) và là mức cao nhất đỉnh lịch sử.

So với đầu tháng 12, mức tăng là 95 đồng (tương đương 0,37%). Đáng lưu ý, so với đầu quý IV, tỷ giá tăng 872 đồng, tương đương mức tăng mạnh 3,54% và so với đầu năm 2024, tỷ giá tăng 1.152 đồng, tương đương mức tăng 4,73%.

Trước tình hình trên, NHNN đã có những động thái kịp thời. Cụ thể, từ ngày 16-23/12, NHNN phát hành tín phiếu với tổng giá trị 53.223 tỷ đồng ở các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày với lãi suất cố định 4%/năm. Đồng thời, NHNN cũng tăng cường cho các ngân hàng thương mại vay qua kênh cầm cố, với khối lượng lên tới 30.000 tỷ đồng trong tuần cuối cùng của tháng 12.

NHNN cũng đã can thiệp bằng cách bán ngoại tệ giao ngay với mức giá 24.540 VND/USD. Theo thông tin từ thị trường liên ngân hàng, ngày 30/12, NHNN bán ra khoảng gần 400 triệu USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Như vậy, năm 2024, trước sự biến động của tỷ giá, NHNN đã bám sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ khác để điều hành linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. “Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường” - NHNN khẳng định.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - đánh giá: Đây là cố gắng rất lớn của NHNN trong công tác điều hành dù tỷ giá đến thời điểm này đã tăng 5% so với đầu năm.

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng khẳng định khi trao đổi với Báo Kiểm toán: “Về cơ bản, đây là một năm điều hành tỷ giá hối đoái tương đối tốt. Chênh lệch giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ ở mức 5%, trong khi đó, đồng tiền của nhiều nước trên thế giới biến động lớn so với đồng đô la Mỹ. Đơn cử, Yên Nhật có thời điểm biến động 30 - 40%.”

Tỷ giá năm 2025 - ổn định hay tăng mạnh?

Tuy nhiên, theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, sang năm 2025, việc giữ ổn định tỷ giá tiếp tục là một trong những thách thức của NHNN, bởi nhiều khả năng, USD sẽ lên giá nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng biện pháp như nhiệm kỳ đầu tiên của ông. “Khi nền kinh tế Mỹ và USD mạnh lên thì điều này sẽ tác động lớn đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Bởi vậy, việc điều hành tỷ giá của NHNN đòi hỏi một “nghệ thuật” khéo léo, linh hoạt” - ông Thịnh lưu ý.

Các chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng, tỷ giá dự kiến vẫn sẽ là một yếu tố cần theo dõi xuyên suốt năm 2025 khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể.

Tương tự, ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered - nhận định, mặc dù việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của USD vào đầu năm 2025 nhưng sang nửa cuối 2025, USD dự kiến sẽ tăng mạnh khi các chính sách thuế quan với hàng nhập khẩu và biện pháp tài khóa mở rộng dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump được triển khai.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ quốc gia - lại cho rằng, tỷ giá VND/USD có thể sẽ ổn định hơn trong thời gian tới do quan hệ cung - cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn tương đối tốt. Trong khi đó, tâm lý hưng phấn khi ông Donald Trump thắng cử sẽ tạm lắng xuống, tâm lý đầu cơ liên quan đến ngoại tệ cũng sẽ giảm bớt.

“Đặc biệt, FED sẽ tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất, dù tốc độ có thể chậm lại, qua đó thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND trong thời gian tới, góp phần giảm bớt áp lực đối với tỷ giá VND/USD. Mức mất giá của VND chỉ vào khoảng 2,5 - 3% trong năm 2025” – TS. Cấn Văn Lực dự báo./.

Cùng chuyên mục
Tỷ giá năm 2025 có tiếp tục chịu nhiều áp lực?