Đại sứ Việt Nam Trần Ngọc An và Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Edward Ward ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh. (Ảnh: TTXVN phát)
Tối 29/12/2020 (giờ Việt Nam), tại Bộ Ngoại giao và Phát triển, Vương Quốc Anh, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đại diện cho chính phủ hai nước đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu sau lễ ký, Đại sứ Trần Ngọc An cho biết đây là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Ở tầm chiến lược, việc hoàn tất UKVFTA tạo thêm sự gắn kết và đan xen về kinh tế giữa hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh.
Đại sứ Trần Ngọc An nhận định UKVFTA là một thỏa thuận song phương thế hệ mới, chất lượng cao hướng tới loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cũng như hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa hai nước theo lộ trình ngắn. Bên cạnh các quy định về hàng hóa, hiệp định cũng có các điều khoản quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ (IP), tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững...
Điểm nổi bật trong UKVFTA là Việt Nam đã rất nỗ lực đạt được kết quả hạn ngạch thuế quan hàng nông sản, trong đó có gạo, mang tính đột phá. Hạn ngạch thuế quan này sẽ giúp gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần tại Anh.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward vui mừng khẳng định đây là bước ngoặt trong quan hệ hai nước, là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược.
Hiệp định thương mại tự do này sẽ đảm bảo thương mại song phương tiếp tục tăng tốc và là một tin vui cho 3.000 doanh nghiệp của Anh tiếp tục xuất khẩu sang Việt Nam. Điều này cũng mang lại tin tốt lành cho người tiêu dùng Anh, những người muốn tiếp cận với các sản phẩm như điện thoại di động, quần áo, giày dép và các sản phẩm khác được sản xuất tại Việt Nam.
Đại sứ Gareth Ward khẳng định: "Chúng tôi sẽ quảng bá để cho các doanh nghiệp Anh hiểu rõ hơn về nền kinh tế Việt Nam. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Do vậy, đây là cơ hội lớn cho Vương quốc Anh khi chúng tôi ngày càng chú trọng hơn tới các mối quan hệ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong những đất nước có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực."
"Chúng tôi biết rằng Vương quốc Anh có một số ngành thế mạnh như chăm sóc sức khỏe, dược phẩm... và chúng tôi sẽ phát triển những ngành này để phục hồi lại đất nước sau đại dịch. Những ngành này có vai trò rất quan trọng đối với Vương quốc Anh và Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang cần phát triển mạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo và bền vững. Chính vì vậy, tôi rất kỳ vọng rằng hai nước sẽ hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Tôi cho rằng đây sẽ là một trong những xu hướng mà chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển trong 10 năm tới."
Ngành dệt may kỳ vọng ở UKVFTA. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Khi được triển khai đầu năm 2021, UKVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực ngay cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Anh với việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh và ở chiều ngược lại là 65%, trong đó nhiều hàng hóa sẽ được hưởng thuế suất 0%.Dự kiến, sau 6 năm, hơn 99% hàng hóa hai nước sẽ có mức thuế là 0%. Với tính chất tương hỗ cao của hai nền kinh tế, hiệp định sẽ giúp kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ, đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Việc hai nước ký để triển khai trên thực tế UKVFTA vào đầu năm 2021 ngay khi giai đoạn quá độ Brexit kết thúc vào 31/12/2020 sẽ bảo đảm cho việc giao thương hàng hóa được suôn sẻ, nhất là những hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
UKVFTA sẽ góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2010, kim ngạch thương mại Việt Nam-Anh tăng mạnh ở mức hai con số, từ mức 2 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD năm 2019, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 5,7 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 và Brexit, kim ngạch vẫn đạt xấp xỉ 5,2 tỷ USD.
Đại sứ Trần Ngọc An nêu rõ đối với Việt Nam, việc loại bỏ thuế quan sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các ngành xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam như điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép; nông sản như, gạo, cà phê, cao su; thủy sản; đồ gỗ, hàng gốm sứ... Với Anh những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều sẽ là dược phẩm, máy móc, thiết bị, hóa chất, ôtô; ngân hàng, bảo hiểm...
Bắt đầu từ 2021, một khối lượng gạo khá lớn của Việt Nam theo hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất 0% khi nhập vào Anh (trước đây phải chịu thuế 17,5%). Nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cá là thế mạnh của Việt Nam cũng sẽ được giảm xuống 0% (từ mức thuế cơ bản 10-20%).
Trong khi đó, khoảng 50% hàng nhập khẩu dược phẩm từ Anh sẽ được miễn thuế ngay lập tức. Doanh nghiệp Anh có thể mở công ty và phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ của Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa và doanh nghiệp Anh.
Đại sứ Trần Ngọc An nhận định "với UKVFTA, cùng với sự gia tăng hàng hóa, dịch vụ từ Anh có thể dự báo làn sóng mới về đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Anh. Anh luôn đứng trong nhóm 5 nước hàng đầu thế giới về đầu tư ra bên ngoài nhất là trong lĩnh vực Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường sẽ diễn ra. Ở chiều ngược lại , một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư lớn tại Anh. Cùng với thương mại, đầu tư, du lịch cũng sẽ bùng nổ trở lại khi đại dịch được khống chế. Đây là những tín hiệu rất tích cực trong quan hệ giữa hai nước"./.
Theo vietnamplus.vn