Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần một cách tiếp cận mang tính tổng hợp và tích hợp

(BKTO) - Các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt mức khử carbon 17,2% hàng năm nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C vào năm 2050.

1.png
Nguồn: PwC, IMF, EDGAR, Energy Institute và Climate Resource

Thực trạng khử các-bon chưa đáp ứng được các cam kết

Theo “Báo cáo chỉ số kinh tế net zero lần thứ 15” do PwC công bố mới đây, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, đạt 3,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,5%.

Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trong tâm điểm của khủng hoảng khí hậu cả trên khía cạnh gia tăng phát thải các-bon (gần một nửa tổng số phát thải toàn cầu) và hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu.

Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương đã tiếp tục có những nỗ lực khử các-bon, nhưng tốc độ khử các-bon hiện tại vẫn chưa đạt mức cần thiết. Trong kịch bản phát thải cao, nếu không có các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu kịp thời thì khu vực này có thể thiệt hại đến 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tính đến năm 2100.

Một số yếu tố chính khiến khu vực này tiếp tục phụ thuộc vào các nguồn năng lượng phát thải nhiều các-bon bao gồm: Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu; Thiếu hụt đầu tư vào năng lượng tái tạo; Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế trong khu vực.

Theo đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đã thay đổi các ưu tiên về chính trị - xã hội tại nhiều nền kinh tế. Sự gián đoạn về nguồn cung năng lượng, tăng giá, nhiệt độ cao kỷ lục đã gây ra tình trạng mất điện ngoài kế hoạch và hóa đơn tiêu thụ năng lượng tăng cao. Điều này gây áp lực cho người dân và các chính phủ phải quay lại sử dụng các hình thức năng lượng rẻ hơn và phát thải nhiều hơn như nhiệt điện than.

Đối với năng lượng tái tạo, châu Á có công suất lắp đặt năng lượng tái tạo mới chiếm khoảng 60% tổng công suất lắp đặt mới của thế giới và có công suất chiếm 48% của thế giới. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các khoản đầu tư vào năng lượng sạch hàng năm của khu vực này cần tăng từ 62,3 tỷ USD (năm 2022) lên 138,6 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2030, và 165,8 tỷ USD trong giai đoạn 2031-2035 để đạt cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

IEA cũng cho biết, ngoại trừ Trung Quốc, các nước còn lại của Châu Á sẽ cần tăng 6 - 8 lần mức đầu tư hàng năm so với năm 2022 vào giai đoạn 2031-2035.

Những nền kinh tế có tốc độ khử các-bon cao nhất trong năm 2022 là: Pakistan (15,2%), Singapore (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%) và Hàn Quốc (4,4%). Ngược lại, quốc gia có mức phát thải các-bon tăng đáng kể (15% - 21%) là Indonesia hay Philippines và Ấn Độtốc độ khử các-bon lần lượt chỉ ở mức 0,1% và 0,8%. Đây là các quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất năng lượng.

Số liệu của PwC cũng cho thấy, trong năm 2022, không có nền kinh tế nào thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ khử các-bon tiệm cận với mức cần thiết để đạt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, dù có 5 nền kinh tế đã vượt tốc độ khử các-bon cần thiết để đáp ứng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đây đều là những quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng và đã có mức giảm về hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch.

3.png
Nguồn: PwC, IMF, EDGAR, Energy Institute và Climate Resource

Một thực tế không thể tránh khỏi là nếu tốc độ khử các-bon tiếp tục chậm lại, chúng ta sẽ sớm chạm đến “điểm tới hạn” của biến đổi khí hậu. Ngay trong năm 2023, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải hứng chịu nhiều sự kiện thời tiết gây ra vấn đề nghiêm trọng như hạn hán ở Ấn Độ khiến nguồn cung gạo của châu Á bị đe dọa, hay mùa đông nóng nhất trong lịch sử khiến người dân Úc lo lắng về khả năng xảy ra cháy rừng.

Hơn nữa, với các vùng ven biển trũng và đông dân, châu Á là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi hiện tượng nước biển dâng, triều cường do bão, lũ lụt và sụt lún đất trên toàn cầu. Khoảng 70% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng sẽ nằm trong khu vực này. Hơn 62% tài sản cơ sở hạ tầng giao thông có nguy cơ bị ngập lụt cao và nhiều siêu đô thị trong khu vực sẽ phải đối mặt với rủi ro về mực nước biển dâng và triều cường do bão

Hiện thực hóa các tham vọng về ứng phó với biến đổi khí hậu

Các số liệu cho thấy tình hình khí hậu trong tương lai rất đáng quan ngại. Chúng ta đang đứng trên bờ vực của việc không hạn chế được tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các chính sách hiện hành sẽ dẫn tới sự tăng nhiệt độ ở mức 2,8°C vào cuối thế kỉ này, kéo theo những hậu quả thảm khốc cho các hệ sinh thái, xã hội và nền kinh tế. Tốc độ khử các-bon chậm trên toàn cầu đang đặt nhân loại vào một tình thế nguy cấp. Vì vậy, chúng ta cần có những hành động mang tính tập thể và toàn diện.

Lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải chiếm 49% lượng phát thải khí nhà kính, 51% còn lại đến từ ngành thực phẩm, nông nghiệp và sử dụng đất, cũng như ngành công nghiệp và môi trường xây dựng.

Để giảm cường độ phát thải các-bon, các nền kinh tế cần giảm tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng và giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế. Các chuyên gia của PwC cho rằng, khu vực châu Á cần một cách tiếp cận mang tính tổng hợp và tích hợp. Cách tiếp cận này cần được xây dựng dựa trên một nền tảng rộng và bao quát hơn, có trọng tâm vượt ra ngoài các sáng kiến về năng lượng tái tạo, xe điện và chuyển đổi năng lượng.

Song song với việc nhận thức được sự phức tạp của việc thiết lập và thực hiện các kế hoạch, chính sách và quy định chung, chúng ta cũng cần nhanh chóng có các cam kết mạnh mẽ hơn từ chính phủ và những sự hợp tác xuyên biên giới. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng có rất nhiều cách để tạo điều kiện và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu net zero trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc thực hiện phân tích tính trọng yếu kép (về tác động hai chiều giữa hoạt động của doanh nghiệp và các vấn đề phát triển bền vững), đồng thời huy động tất cả các phòng ban hướng tới việc chuyển đổi để đạt được net zero.

Nhiều công ty vẫn nhìn nhận việc phát triển bền vững và khử các-bon theo góc nhìn ngắn hạn là nhằm tuân thủ các yêu cầu luật định. Bằng cách tích hợp phát triển bền vững vào chiến lược tổng thể, mô hình hoạt động và các quy trình vận hành, doanh nghiệp sẽ có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra giá trị tài chính dài hạn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm 41% GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 69% lực lượng lao động quốc gia. Theo OECD, các doanh nghiệp này trên toàn cầu cũng chiếm tới ít nhất 50% lượng phát thải khí nhà kính.

Như vậy, việc chuyển đổi thành công sang trạng thái net zero tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc phần lớn vào sự tham gia tích cực của các MSME. Tuy nhiên, các MSME sẽ cần nhiều sự hỗ trợ từ doanh nghiệp lớn để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi này.

Các chuyên gia của PwC khuyến nghị, để khử các-bon, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Ước tính, mô hình này sẽ mang lại cơ hội thu hồi 30-50% giá trị trong việc tái sử dụng, tân trang và tái sản xuất, cũng như tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế trị giá 324 tỷ USD cho khu vực châu Á.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các giải pháp thiên nhiên (NbS), giúp loại bỏ tới 12 tỷ tấn CO2 mỗi năm, tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu và mang lại thêm 2,3 nghìn tỷ USD giá trị tăng trưởng sản xuất cho nền kinh tế.

Các doanh nghiệp cũng có thể giúp tạo ra thị trường cho các giải pháp công nghệ khí hậu bằng cách thành lập một nhánh đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các công ty công nghệ khí hậu, đồng thời sử dụng sản phẩm và các dịch vụ của họ để giảm phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, việc đưa các công ty công nghệ khí hậu vào danh mục đầu tư có thể hỗ trợ các công ty và nhà cung cấp khác trong danh mục trên hành trình hướng tới khử các-bon./.

Cùng chuyên mục
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần một cách tiếp cận mang tính tổng hợp và tích hợp