Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

(BKTO) - Sáng 9/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 51. Theo chương trình, Phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày 10/12.



                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết Kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV; xem xét thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); cho ý kiến chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

UBTVQH cũng cho ý kiến việc điều chỉnh vốn viện trợ nước ngoài năm 2020 của tỉnh Quảng Nam; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên - tỉnh Bình Dương, các phường thuộc thành phố Thanh Hóa - tỉnh Thanh Hóa, thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành - tỉnh An Giang.

Tại Phiên họp này, UBTVQH đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của UBTVQH và cho ý kiến về chương trình hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, các cơ quan của UBTVQH, KTNN và Văn phòng Quốc hội. Đồng thời, xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến ngày 31/12/2021; cho ý kiến về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 cho các dự án đã thực hiện thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tiếp đó, trên cơ sở xem xét, thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) với 100% Ủy viên UBTVQH tán thành.

Pháp lệnh gồm 7 chương, 58 điều quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
                
   

UBTVQH biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn

   

Theo đó, Pháp lệnh quy định theo hướng mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung báo cáo số liệu về đối tượng, kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ưu đãi đối với đối tượng này. Đồng thời, Pháp lệnh hóa quy định của Nghị định 31/2013/NĐ-CP về đối tượng vợ hoặc chồng của liệt sỹ đã lấy chồng hoặc vợ khác được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng và bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với đối tượng này.

Về đối tượng người nước ngoài có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định theo hướng không hạn chế việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định. Người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài cũng không bị hạn chế việc nhận chế độ ưu đãi được hưởng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải chỉ đạo, hướng dẫn các phương thức phù hợp để đối tượng nhận được chế độ ưu đãi.

Pháp lệnh cũng chỉnh lý quy định về điều kiện công nhận liệt sĩ nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh của thời bình, tôn vinh xứng đáng đối với người có công; đồng thời bổ sung quy định các trường hợp không xem xét công nhận là người có công với cách mạng.

Về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh quy định chế độ trợ cấp Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng bằng 3 lần mức chuẩn trợ cấp hằng tháng chứ không tính theo số liệt sĩ. Dự thảo Pháp lệnh cũng quy định điều kiện, tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh; quy định đối tượng thân nhân là vợ, chồng được hưởng chế độ ưu đãi căn cứ vào độ tuổi 55 trở lên đối với vợ và 60 tuổi đối với chồng.

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)