Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy lựa chọn mô hình kinh tế

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi dẫn đầu Đoàn công tác nhóm 3 của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), sáng 13/10.

1(4).jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Chính phủ

Thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề xã hội và chính sách xã hội

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, sau 40 năm đổi mới, các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - TS. Bùi Sỹ Lợi - nhấn mạnh, việc vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lời giải cho những thành tựu trong chính sách xã hội của Việt Nam thời gian qua. Vì vậy, kinh tế và chính sách xã hội cần bước cùng nhau. Kinh tế tăng trưởng có thêm nguồn lực cho chính sách xã hội, ngược lại chính sách xã hội tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, qua 40 năm đổi mới, Đảng có những bước thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề xã hội và chính sách xã hội. Đó là kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Chính sách xã hội từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả chung của xã hội.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách xã hội vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, các vấn đề đặt ra đối với chính sách xã hội là giữ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh, đồng thời đa dạng hóa sự tham gia của xã hội; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững là nền tảng giải quyết các vấn đề xã hội và con người; phát triển dịch vụ xã hội…

2(2).jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Các mục tiêu xã hội hiện nay chỉ đạt được khi chúng ta có mô hình kinh tế bền vững hơn. Ảnh: Chính phủ

Không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế

Đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH tiếp tục phân tích thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận theo tư tưởng, quan điểm, mục tiêu của Đảng về mô hình phát triển, thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó xác định những vấn đề ưu tiên giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Trong đó, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng là chính sách xã hội thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ, góp phần quan trọng trong bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Nhấn mạnh yêu cầu không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, rút ra bài học kinh nghiệm trong khắc phục, điều tiết mặt trái của kinh tế thị trường bằng các công cụ, chính sách xã hội rõ ràng, cụ thể.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH làm rõ hơn nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tham khảo kinh nghiệm vận hành mô hình đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, sự tham gia của tư nhân.

"Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy phát triển, lựa chọn mô hình kinh tế. Các mục tiêu xã hội hiện nay chỉ đạt được khi chúng ta có mô hình kinh tế bền vững hơn như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức… thay thế mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên" - Phó Thủ tướng gợi mở./.

Cùng chuyên mục
Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy lựa chọn mô hình kinh tế